(CAO) Trong khi các nhà điều tra tiếp tục xâu chuỗi chính xác chuỗi sự kiện dẫn đến cái chết của ít nhất 151 người trong vụ giẫm đạp ở khu Itaewon của thủ đô Seoul (Hàn Quốc) vào tối 29-10 thì các chuyên gia về thảm hoạ đã bắt đầu phân tích về nguyên nhân xảy ra thảm hoạ này.
Theo cảnh sát trưởng cứu hỏa địa phương, hàng chục nghìn người đã đổ ra đường phố ở thủ đô Hàn Quốc để ăn mừng Halloween khi lễ hội hóa trang diễn ra, và nhiều người trong số họ đã đổ xô đến khu giải trí về đêm Itaewon - một khu vực nổi tiếng với cả cuộc sống về đêm sôi động cũng như những con đường và ngõ nhỏ hẹp của nó.
Các nhân chứng cho biết những con đường và ngõ hẻm chật hẹp đã trở nên quá tải với lượng người tụ tập bên ngoài các quán bar, quán rượu và nhà hàng.
Tại một số thời điểm, nhiều người dường như đã cố gắng chạy trốn khỏi khu vực - mặc dù các quan chức cho biết không có rò rỉ khí đốt hoặc hỏa hoạn tại chỗ khi họ nhận được cuộc gọi khẩn cấp đầu tiên về những người bị "chôn vùi" trong đám đông lúc 22h24.
Juliette Kayyem, một chuyên gia quản lý thảm họa và nhà phân tích an ninh quốc gia của CNN, cho biết mật độ dân cư của thành phố khi tập trung về một điểm có thể đã đóng một vai trò trong tấn thảm kịch.
Kayyem nói rằng trong tình huống hoảng loạn, sự kết hợp của những con phố hẹp và những con hẻm cụt "chắc chắn sẽ gây chết người", và vì người dân Seoul đã quen với đám đông nên họ có thể không phát hiện ra nguy hiểm.
Con hẻm hiện trường vụ giẫm đạp - Ảnh: Reuters
“Mọi người ở Seoul đã quen với việc ở trong những không gian chật chội, có thể họ chưa hoàn toàn cảnh giác với những con phố chật chội”.
Bà nói rằng hoảng sợ thường là một yếu tố dẫn đến những bi kịch như thế này và “khi cơn hoảng loạn xảy ra và bạn không còn nơi nào để đi, bạn có khả năng bị nghiền nát”.
Tuy nhiên, bà nói thêm rằng khi những cơn hoảng loạn như vậy xảy ra, chúng có thể diễn ra "rất nhiều lần nhưng không có thời điểm kích hoạt sự kiện".
Theo vị chuyên gia, dù rất khó xác định điều gì có thể đã kích hoạt sự hỗn loạn của đám đông, các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể ngăn chặn thảm hoạ như vậy từ sớm nhờ việc "dự đoán được lượng người sẽ tập trung về đây vào đêm thứ bảy".
Kayyem nói: “Các nhà chức trách có trách nhiệm theo dõi số lượng đám đông trong thời gian thực, để họ có thể cảm nhận được sự cần thiết phải đưa mọi người ra ngoài”.
Tuy nhiên, công tác theo dõi và dự báo này chưa được tốt đã khiến tấn thảm kịch đau lòng xảy ra.