"Hóa chất vĩnh cửu" và cuộc chiến dai dẳng:

Kỳ 1: Khi thế giới tràn ngập hóa chất

Thứ Ba, 02/01/2024 17:25

|

(CATP) PFAS là nhóm gồm hàng ngàn hóa chất tổng hợp được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày, dựa trên liên kết carbon-flo, với biệt danh "hóa chất vĩnh cửu" do những liên kết này rất khó phân hủy, vì thế PFAS thường được sử dụng phổ biến trong rất nhiều sản phẩm sinh hoạt hàng ngày, từ vật dụng gia đình, bao bì sản phẩm đến trang thiết bị chữa cháy... Nhiều nghiên cứu cho thấy PFAS có khả năng kích thích ung thư phát triển và di căn, đe dọa sức khỏe con người, cần được kiểm soát chặt chẽ.

Tạp chí Environmental Science & Technology từng phân tích mức độ phơi nhiễm thường xuyên với PFAS trong cuộc sống thường nhật, đặc biệt là nguy cơ tiềm ẩn trong việc thúc đẩy ung thư di căn ở các sinh vật sống, nhất là khi nồng độ "hóa chất vĩnh cửu" này xuất hiện trong máu của lính cứu hỏa có xu hướng cao hơn do họ thường xuyên tiếp xúc với bọt chữa cháy chứa PFAS, trong khi thiết bị bảo hộ cá nhân của lực lượng này cũng được xử lý bằng PFAS, giúp hạn chế khả năng chúng bị dính chất lỏng dễ cháy...

Cô gái trẻ thúc đẩy luật cấm PFAS

Ra mắt vào thập niên 40 của thế kỷ XX, nhóm hợp chất này mang những đặc tính độc đáo như chống thấm nước, chống dính và chống cháy, giúp mang lại một số lợi ích nhất định, nhưng do tồn tại bền vững suốt nhiều năm, chúng cũng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe khi nhiều hóa chất của PFAS được sử dụng làm lớp phủ chống dính trong các dụng cụ nhà bếp, thiết bị chống cháy, quần áo chống thấm, giấy gói thức ăn nhanh, giấy vệ sinh... Theo một số nghiên cứu, việc tiếp xúc với PFAS ở mức độ cao sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và động vật; trong đó, tháng 11/2023 vừa qua Hợp chất PFAS phổ biến - Perfluorooctanoic Acid (PFOA) được Cơ quan nghiên cứu quốc tế phân loại là chất gây ung thư cho con người, bị các cơ quan quản lý và ngành công nghiệp loại bỏ; còn Perfluorooctanesulfonic Acid (PFOS) là chất có thể gây ung thư.

Một nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Silent Spring Institute (SSI - Mỹ) phát hiện các "hóa chất vĩnh cửu" xuất hiện trong gần 60% hàng dệt may chống thấm nước hoặc chống vết bẩn dành cho trẻ em. Tổ chức này cũng đã tìm thấy PFAS với hơn 9.000 hợp chất trong quần áo, vỏ gối, drap giường và đồ nội thất, dù nhiều mặt hàng trong số này được dán nhãn "thân thiện với môi trường". PFAS còn liên quan tới dị tật bẩm sinh, làm giảm khả năng miễn dịch, rối loạn hormone và hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Nhiều loại hóa chất được dùng trong quá trình nhuộm và xử lý vải

Sau cái chết của Amara Strande - cô gái trẻ 20 tuổi mắc bệnh ung thư gan hiếm gặp và bị khối u ở phổi 5 năm trước đó do ảnh hưởng các độc chất của PFAS từng làm chấn động vùng ngoại ô của Khu đô thị Twin Cities, bang Minnesota (Mỹ) - nơi gia đình cô sinh sống và cũng là nơi Tập đoàn 3M đặt trụ sở chính cùng nhà máy sản xuất nhiều sản phẩm chứa PFAS, tháng 5/2023 các nhà lập pháp bang Minnesota đã thông qua Đạo luật Amara - cấm sử dụng PFAS ở bang này. Trong khi đó, tại TP.Worcester, bang Massachusetts (Mỹ), Diane Cotter vẫn tiếp tục tham gia cuộc chiến lâu dài trong việc thúc đẩy các nhà khoa học, lính cứu hỏa và chính trị gia cân nhắc sự hiện diện của PFAS trong thiết bị bảo hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy, vì nguy cơ cao gây ra các chứng ung thư tuyến tiền liệt, tinh hoàn lẫn đại tràng co thắt do nhiễm PFAS trong bọt chữa cháy...

Khó tránh nhưng vẫn có thể nhận diện

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mức độ cao của một số hóa chất PFAS có thể dẫn đến nguy cơ tăng cholesterol, đáp ứng vắc - xin yếu, cùng các biến chứng thai kỳ. Đáng lưu ý, những chất độc này xâm nhập vào cơ thể qua trang phục thường mặc. Do chúng dễ bay hơi nên có thể tách khỏi sản phẩm, lơ lửng trong không khí trước khi được hít vào phổi hoặc hấp thụ qua da, rất khó phân hủy. Cũng không có sự khác biệt giữa quần áo thông thường và quần áo dành riêng cho trẻ sơ sinh hoặc phụ nữ mang thai.

Người tiêu dùng khó thể tránh mối nguy từ "hóa chất vĩnh cửu", nhưng vẫn có thể nhận dạng bởi đa số sản phẩm "chống vết bẩn" thường chứa PFAS; đó có thể là những sản phẩm được trồng trên đất ô nhiễm từ liều lượng nhỏ hơn hàng ngàn lần so với quan niệm trước đây và sự nguy hiểm của PFAS chỉ được cảnh báo nhiều hơn trong vài năm trở lại đây, trong khi tác hại về sức khỏe của PFAS đã được nhắc đến nhiều thập niên trước, sau khi DuPont và 3M - hai tập đoàn sản xuất PFAS lớn nhất thế giới - biết về tác hại của PFAS nhưng vẫn... im lặng và cái giá phải trả là các công ty Chemours, DuPont và Corteva phải chấp nhận chi hơn 1 tỉ USD để giải quyết khiếu nại liên quan đến "hóa chất vĩnh cửu" làm ô nhiễm hệ thống nước công cộng của Mỹ. DuPont tiếp tục giới hạn việc sử dụng PFAS đối với "những ứng dụng công nghiệp thiết yếu" và tìm kiếm lựa chọn thay thế.

Tại Châu Âu, theo thống kê, khoảng 140.000 - 310.000 tấn PFAS đã được bán ra thị trường này trong năm 2020 và tổng chi phí thăm khám, điều trị hàng năm liên quan đến việc tiếp xúc với loại hóa chất trên ước tính tương đương 55,7-90 tỷ USD.

Ở Nhật Bản, sau khi chính quyền thủ đô Tokyo ngừng cung cấp nước uống từ giếng vì phát hiện nồng độ PFOS, PFOA vượt quá mức cho phép, dù các quan chức địa phương luôn trấn an rằng nguồn nước đã an toàn, nhưng còn lượng nước người dân đã sử dụng suốt những năm qua thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Trước mắt, cơ quan chức năng tiếp tục kêu gọi mở rộng các chương trình giám sát PFAS trong máu để kịp thời đưa ra biện pháp khắc phục...

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang