Những vụ án thiên nga "trắng", thiên nga "đen":

Kỳ 1: Vụ án "chàng Siegfried" Đức và nữ vũ công Mỹ

Thứ Ba, 05/09/2023 15:41

|

(CATP) Vở vũ kịch Hồ thiên nga nổi tiếng thế giới nhờ câu chuyện tình đầy lãng mạn và bi thương của hoàng tử Siegfried - công chúa Odette bị phù thủy Von Rothbart biến thành thiên nga. Có lúc Odette mang trên mình bộ lông trắng của sự ngây thơ, cả tin vào tình yêu; có lúc nàng biến thành thiên nga "đen" đầy lòng hận thù, chết chóc. Trong cuộc đời thực của các nữ diễn viên vũ kịch từng đảm nhiệm vai này cũng xảy ra bi kịch khi "trắng", lúc "đen"!

Chuyến du lịch tới "kinh đô ánh sáng" của nữ vũ công 22 tuổi Jean de Koven có lẽ cũng sẽ giống như mọi chuyến thăm Paris (Pháp), trừ 2 điều: thứ nhất, cô không kịp xem vở nhạc kịch Nàng Ariadne và "yêu râu xanh" trên sân khấu Nhà hát lớn Paris, dù đã mua vé; thứ hai và đây cũng chính là nguyên nhân của sự vắng mặt: Cô đã gặp và hẹn đi chơi với 1 chàng trai hào hoa phong nhã tự xưng là Siegfried mà chẳng ngờ đó cũng chính là "yêu râu xanh"!

Cuộc gặp giữa Paris hoa lệ

Từ Boston (Mỹ) tới Paris (Pháp) vào tháng 7/1937, Jean cùng người dì Ida Sackheim trọ tại khách sạn cổ gần bờ sông Seine thơ mộng chảy giữa lòng thành phố hoa lệ này. Bốn ngày đầu nhanh chóng trôi qua với những điểm tham quan nổi tiếng của Paris, từ Cung điện Louvre tới Nhà hát Folies-Bergère, hai người phụ nữ Mỹ cũng đã mua vé để xem vở nhạc kịch nổi tiếng Nàng Ariadne và "yêu râu xanh" trên sân khấu Nhà hát lớn Paris vào tối 26/7/1937, mở màn lúc 8 giờ.

Đến ngày thứ 5 của chuyến du lịch, Jean và bà Ida tới khách sạn Ambassador để tìm 1 người bạn của bà. Trong lúc họ đang bối rối do bất đồng ngôn ngữ với nhân viên khách sạn thì 1 chàng trai xuất hiện, tự giới thiệu là Bobby và ngay lập tức đã chiếm được cảm tình của Jean nhờ cái tên rất quen thuộc với nữ vũ công trẻ: Siegfried.

Theo bà Ida đoán thì Bobby - Siegfried là người Áo hoặc Thụy Sĩ. Ở tuổi chưa tới 30, anh chàng đẹp trai như thể bước ra từ bức tranh của các danh họa Đức thế kỷ XV - XVI Hans Holbein Cha và Con. Bobby sử dụng tốt 3 thứ tiếng Đức, Anh và Pháp, phong thái lịch lãm...

Cuối ngày hôm đó, Jean đã hào hứng kể lại với bạn gái: "Có lẽ mình sẽ tới gặp 1 chàng Tristan của Wagner, ai mà biết được? Ngày mai, mình sẽ đến biệt thự của anh ấy ở La Celle Saint - Cloud, nơi hoàng đế Napoleon Bonapart ngày xưa đã tặng nó cho hoàng hậu Josephine".

Jean de Koven - nữ vũ công từ nhỏ đến lớn chỉ biết đắm mình trong những câu chuyện tình đẹp nhất thời cổ đại được chuyển thể thành vũ kịch như Hồ thiên nga hay nhạc kịch Chàng Tristan và công chúa Isold - thấy mình vô cùng may mắn, hạnh phúc và quên mất những bi thương mà các nhân vật trong những vở diễn đó phải hứng chịu.

Nạn nhân Jean de Koven

Chữ "Tài" liền với chữ "Tai"

Bà Ida vô cùng lo lắng khi Jean không tới xem nhạc kịch và cũng không quay trở về khách sạn đêm 16/7/1937. Sáng hôm sau bà hối hả báo cảnh sát, tuy nhiên cơ quan điều tra không chỉ không chú ý mà còn cười thêm: Ở thành phố của những cuộc tình chớp nhoáng giữa hàng chục ngàn du khách mỗi ngày như Paris này thì việc một cô gái không về khách sạn 1 đêm chẳng phải là điều đáng nói. Vả lại, hôm đó bà Ida cũng nhận được bức điện tín ký tên cô cháu gái báo rằng mình vẫn bình an và dặn bà đừng lo lắng.

Tuy không an tâm nhưng bà Ida đành phải chờ. Thêm 1 ngày nữa, bà nhận được bức điện báo Jean bị bắt cóc với khoản tiền chuộc 500 franc, giao ở Vườn Luxembourg với mật khẩu "Jean" nhắc lại 3 lần. Bức thư viết chữ nghiêng, theo phong cách của người Bắc Âu, với chữ "j" và "t" kiểu Gotic. Lần này, bà Ida chỉ đích danh thủ phạm là Bobby - Siegfried. Theo bà, khi rời khỏi nhà, Jean mang theo 300 franc tiền mặt và tập séc trị giá 430 franc cùng hộ chiếu và chiếc máy ảnh mới mua.

Nhà chức trách Pháp chỉ bắt tay vào tìm kiếm Jean de Koven sau khi tấm séc 10 franc đầu tiên trong tập séc của cô được phát hiện trên thị trường. Chỉ trong vài ngày, tin tức về những tấm séc đó liên tục được báo về. Để ngăn chặn, ngày 07/8/1937 cảnh sát tiết lộ tin tức về việc Jean de Koven mất tích cho báo chí. Sau khi thông tin lan trên mặt báo, việc sử dụng séc của Jean de Koven cũng chấm dứt. Kiểm tra lại số séc của cô đã sử dụng (tổng cộng 240 franc) để mua hàng và đổi ra tiền mặt, cảnh sát phát hiện tất cả đều được thanh toán bởi những đối tượng mạo danh.

Giữa tháng 8/1937, anh trai của Jean từ Mỹ tới Paris để thúc đẩy chính quyền Pháp và Mỹ tìm kiếm em gái mình. Gia đình de Koven treo khoản tiền thưởng 10.000 franc. Sau hơn 1 tháng ở lại Paris nhưng chưa có kết quả điều tra, anh trai của Jean và bà Ida đành quay về Mỹ. Việc tìm kiếm Jean giậm chân tại chỗ cho tới cuối tháng 11 cùng năm. Cảnh sát Pháp hoàn toàn không biết rằng việc mất tích của Jean de Koven còn liên quan tới 5 vụ án mạng xảy ra từ tháng 7 đến tháng 11/1937 do "yêu râu xanh" - mà Jean ngỡ là mối tình sét đánh của mình - ra tay.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang