(CATP) Tuy là quốc gia ít xảy ra bắt cóc tống tiền nhất, nhưng vào những năm đầu của thế kỷ này, các vụ án liên quan đã gây rúng động dư luận tới nỗi có người chỉ trích một bảng xếp hạng ở xứ hoa tulip vì đã công bố danh tính các công dân giàu nhất để dẫn đến tình trạng trên. Trong đó nổi lên trường hợp bắt cóc con gái của Hans Melchers - triệu phú nằm trong danh sách những người giàu nhất Hà Lan, khiến Cảnh sát Châu Âu phải vào cuộc truy lùng các đối tượng tham gia đường dây tội phạm này.
Vụ bắt cóc gây xôn xao dư luận
Nạn nhân trong vụ bắt cóc ngày 12/9/2005 ở ngoại ô thủ đô Amsterdam gây rúng động xứ hoa tulip lần này là Claudia Melchers (SN 1969), phụ trách một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ tiệc tùng, dạ hội ở Hà Lan. Trước đó có một số đối tượng tự xưng "doanh nhân" liên hệ với Claudia, cho biết muốn hợp tác với công ty cô và vào thời điểm trên, khi đến theo hẹn, 3 "doanh nhân" đã chĩa súng uy hiếp, trói và nhét giẻ vào người bạn trai, nhưng không động đến hai con của Claudia, rồi tống cô vào thùng nhựa khiêng ra chiếc ôtô đang chờ sẵn. Điều kỳ lạ là, những người này không đòi tiền chuộc mà lại yêu cầu chuộc bằng... ma túy!
Claudia bị giam vài ngày trong căn phòng ở tầng hai của một tòa nhà, cửa sổ luôn đóng kín, qua những khe hở, cô nghe được chương trình mà phát thanh viên nói giọng miền Đông Hà Lan. Dư luận bàn tán rằng khả năng hung thủ không nhắm đến vị trí chẳng có gì nổi trội của cô, mà chỉ vì Claudia là con gái của triệu phú Hans Melchers, cổ đông lớn của Hal Trust, và rất có thể cô sẽ được trao quyền điều hành Công ty kinh doanh hóa chất Melchemie nổi tiếng của cha mình khi ông về hưu. Chính vì thế, giới thạo tin cho rằng đây có thể là một vụ bắt cóc tống tiền, nhưng cũng không loại trừ khả năng Claudia gặp rắc rối vì chuyện làm ăn của thân sinh.
Với gia sản khoảng 700 triệu USD, ông Hans Melchers được Tạp chí tài chính Quote xếp hạng giàu thứ 36 của xứ sở hoa tulip. Sau khi vụ bắt cóc xảy ra, bảng xếp hạng này đã bị nhiều người chỉ trích, cho rằng nó đã "vẽ đường" cho các đối tượng phạm tội.
Bảng xếp hạng đại gia "vẽ đường" cho tội phạm
Ở Hà Lan, các đại gia thường có khuynh hướng giữ bí mật, không thích phô trương độ giàu có của mình, để tránh bị soi mói. Đây là một phần của văn hóa Bắc Âu. Các gia tộc nước này có lý do chính đáng để sống kín đáo, khi năm 1983 một băng nhóm từng bắt cóc chủ Nhà máy bia Freddy Heineken để đòi tiền chuộc.
Claudia Melchers và căn nhà nơi nạn nhân bị bắt cóc
Trước đó, các đối tượng đã ném vào nhà Claudia bức thư yêu cầu mang 300kg cocaine để chuộc cô về - một yêu cầu "không thể thực hiện được"! Một tuần trước khi vụ việc xảy ra, trên một trang web đã xuất hiện kịch bản bắt cóc "thành viên trong gia đình của một doanh nhân Hà Lan", yêu cầu chuộc con tin bằng kim cương và 25 triệu euro. Theo cơ quan điều tra, việc bắt cóc Claudia có liên quan tới tài sản của cha cô, nhờ hưởng quyền thừa kế từ năm 1983, chuyên buôn bán phân bón nhân tạo và chất tẩy rửa rau củ quả, người từng bán hóa chất cho Iraq từ những hầm mỏ mà ông được thừa kế vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Doanh thu của Melchemie năm 2002 là 76 triệu USD, giúp đưa ông Hans Melchers vào vị trí 36 trong số những người Hà Lan giàu nhất, với lợi nhuận thu được 460 triệu euro/năm.
Trong một thông báo đăng trên website chính thức của công ty, Melchemie thừa nhận số hóa chất mà công ty định xuất khẩu sang Iraq có thể dùng để chế tạo khí độc, nhưng ông Hans Melchers đã kịp thời ra lệnh ngưng lại trước khi lô hàng tới được điểm đến và chịu mức phạt tương đương 45.000 euro.
Claudia đã được trả tự do đêm 14 rạng sáng 15/9/2005 (giờ địa phương) trong tình trạng an toàn, cũng ở khu vực ngoại ô nhưng thuộc TP. Arnem, đúng 48 tiếng sau khi thông tin lan rộng. Bắt đầu từ đây, cô đón taxi và liên lạc với gia đình, được cảnh sát hộ tống tới Cơ quan điều tra ở Amsterdam.
Vụ bắt cóc con gái của triệu phú Melchers khiến báo chí Hà Lan tiếp tục lật lại cái chết bí ẩn vợ cũ của ông - bà Lievens Melchers. Người phụ nữ này được phát hiện trong tình trạng chết gục dưới chân cầu thang nhà mình ở Malta năm 1999 và được cho là đã báo cáo với Chính phủ Hà Lan trước đó việc công ty của chồng mình bán hóa chất bất hợp pháp cho Iraq, Libya, Syria...
(Còn tiếp...)
(CATP) Bắt cóc tống tiền ở một số quốc gia, nhất là khu vực Nam Mỹ, đã trở thành ngành kinh doanh của các đường dây tội phạm. Trong 2 thập niên đầu của thế kỷ này, vấn nạn trên ngày càng diễn biến phức tạp, ngoài hàng trăm trẻ em bị bắt cóc trong những vụ xung đột hôn nhân, còn là các chính trị gia và người thân, đến du khách, những người vô tội..., đa số tập trung vào những gia đình túi rủng rỉnh tiền hoặc vì trả thù cá nhân hay lợi ích nhóm, mà chẳng màng đến nỗi đau ám ảnh của người trong cuộc...
NGUYỄN XUÂN (theo SCMP, Therichest)