(CATP) Lúc 5 giờ chiều 01/12/2007, một người đàn ông bước vào đồn cảnh sát ở London (Anh) nói với nhân viên trực: "Tôi nghĩ mình là người mất tích". Sau một thoáng ngơ ngác, họ bình tĩnh hỏi lại. Thì ra người đàn ông ấy được cho là đã chết đuối 5 năm trước ngoài biển và vợ ông ta được trả 250.000 bảng tiền bảo hiểm (BH). Nhưng giờ con người ấy đang đứng trước mặt họ và nói rằng ông ta không nhớ bất cứ chuyện gì ngoài tên mình: John Darwin!
Cánh cửa bí mật thông giữa 2 nhà
Khoảng 4 giờ 30 chiều 21/3/2002, John Darwin - quản giáo nhà tù 51 tuổi sống ở thị trấn nghỉ mát Seaton Carew, miền Trung nước Anh, bên bờ biển Bắc - kéo chiếc thuyền độc mộc của mình xuống biển. Đến 6 giờ tối, Anne - vợ của John - cũng rời nơi mình làm việc, lái chiếc xe Skoda tới nơi đã hẹn trước với chồng. Đón John từ biển trở về trong bộ đồ mũ che gần kín mặt, Anne chở chồng đến ga tàu lửa cách nhà 40km. Trước khi chia tay, John dặn vợ tối đó nhất định phải gọi vào nhà tù nơi anh trực ca đêm xin nói chuyện với anh như mọi ngày.
Sau cuộc gọi của Anne đến nhà tù lúc 21 giờ 30, tin John Darwin mất tích ngoài biển bất ngờ lan ra. Các lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm trong nhiều ngày suốt dọc bờ biển dài gần 10km quanh Seaton Carew. Ban đầu người ta tìm thấy mái chèo và sau đó vài ngày là chiếc thuyền màu đỏ cũ nát của John.
Anne và John Darwin
Chưa đầy tháng sau, John gọi điện hẹn vợ đón mình về nhà. Anne suýt không nhận ra chồng với bộ râu rậm và dài che gần kín mặt. Trở về nhà, John sống trong căn phòng xép cao nhất của tòa nhà số 3 cạnh phòng ngủ của Anne ở tòa nhà số 4. Giữa 2 căn nhà số 3 và 4 thuộc sở hữu của vợ chồng Darwin - mà họ chia thành 15 phòng để cho thuê - có cánh cửa nhỏ bí mật thông nhau. John đã đổ bê-tông lên sàn gỗ ở lối đi bí mật đồng thời trải thảm để chặn tiếng kẽo kẹt lúc đi qua. Khi có người vào phòng Anne, John sẽ chui qua cánh cửa bí mật ngụy trang thành cửa tủ để thoát sang phòng mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào John cũng trốn tránh, anh thường xuyên đi khập khiễng xuống bãi biển, thậm chí đến thư viện công cộng của thị trấn chỉ hơn 1 tháng sau khi "mất tích".
Lý do vì sao John phải "chết đuối" ngoài biển và buộc phải sống chui nhủi? Vợ chồng John mua bất động sản để kinh doanh và họ sắp phá sản, nợ tới hơn 60.000 bảng, nên chỉ có thể trông chờ vào khoản tiền BH nhân thọ của John. Tháng 4/2003, tờ giấy chứng nhận tử vong đã tới, nhờ nó, Anne nhận được 249.000 bảng. Nhưng một người từng là giáo viên 16 năm như John đâu dễ chịu tính đường ngắn, trong lúc chờ các thủ tục để được xác nhận là đã chết, John chuẩn bị cho mình một danh tính mới để có thể thoát khỏi căn phòng gác xép tù túng trên.
Sau khi lùng sục các nghĩa trang và báo địa phương, John tình cờ tìm thấy cái tên John Jones nên sử dụng nó khi đăng ký với thư viện đồng thời bắt đầu mượn sách. John Jones thực sự sinh ra trước Darwin 5 tháng, vào ngày 27/3/1950, tại nhà bà của ông ở Sunderland, con trai của công nhân đường sông Alfred John Jones và vợ ông, Lily. Tuy nhiên bé John đã qua đời khi mới được 5 tuần tuổi vì bệnh viêm ruột tại Bệnh viện bệnh truyền nhiễm của thành phố và được chôn cất vào ngày 03/5/1950.
Tấm ảnh định mệnh
John Darwin đã sử dụng tên của John Jones để xin giấy khai sinh và sử dụng tờ giấy đó kèm theo tấm hình đen trắng của chính mình với bộ râu dài rậm rạp để xin hộ chiếu. Tấm ảnh này có chữ ký xác thực của một thủ thư vì ông ta là khách hàng thường xuyên của thư viện. Darwin to gan đến độ sử dụng địa chỉ nhà mình đang ở để xin hộ chiếu.
Cuốn hộ chiếu đã chắp cánh cho John và vợ. Năm 2004, họ đến thăm đảo Síp với ý định mua đất. Năm 2005, John đến Tây Ban Nha và Gibraltar để xem chiếc thuyền đôi dài giá 45.000 bảng Anh. Chưa ưng ý, John nghĩ tới Panama ở Trung Mỹ. Năm 2006, sau 2 tuần ở đây, cặp đôi tin rằng đất nước này là nơi họ đáng tới. Trong lúc hân hoan, họ không chú ý tới việc giám đốc của công ty bất động sản tiếp họ đã rút máy ảnh ra chụp lại giây phút vui mừng của cả bên bán lẫn phía mua. Sau này bức ảnh được đưa lên trang web của công ty ngoài ý muốn của cặp đôi. Từ giữa năm 2006 tới tháng 10/2007, vợ chồng John đi về giữa Panama - Anh để bán tài sản của họ ở Anh và chuyển tiền sang Panama mua đất xây khách sạn.
Mặc dù vậy, trong thời gian này, Anne vẫn làm việc tại các phòng khám ở Anh và 1 trong các nữ đồng nghiệp của cô cảm thấy khó chịu vì số lượng cuộc điện thoại gọi đến trong giờ làm việc của nữ nhân viên này. Nghi Anne đang nói chuyện với chồng - người đã mất tích 5 năm trước, người này mật báo cảnh sát. Vì thế, việc Anne thường xuyên ra nước ngoài vào dịp lễ, bán tài sản ở Anh đã được cơ quan điều tra lưu ý. Lúc đó, hầu hết thời gian của John là ở Panama.
Không may cho vợ chồng Darwin, đúng lúc này luật visa của Panama thay đổi. Hồ sơ cấp visa đầu tư của họ phải được gửi sang Anh để cảnh sát xác minh. Thấy khó thoát, John quyết định về Anh trình diện với tư cách người mất trí!
Lúc này, Anne buộc phải vào vai người vợ vui mừng thấy chồng xuất hiện trở lại. Anne bay về Anh hôm 09/12. Tuy nhiên, cùng lúc các tờ báo đã vào cuộc và tìm được trên mạng tấm hình vợ chồng John - Anne chụp năm 2006 tại Panama. Cả hai bị bắt và phải ra tòa. John lãnh án 6 năm 3 tháng tù, còn Anne 6 năm 6 tháng tù. Về bồi thường, tính tới năm 2014, John chỉ mới trả được 121 bảng trong tổng số 679.073 bảng phải trả - vì toàn bộ tài sản đứng tên Anne - trong khi toàn bộ 501.641,39 bảng mà Anne phải trả đã được thực hiện sau khi bán 2 bất động sản ở Panama. Tới năm 2015, cả hai người đều không còn tài sản nào, hai đứa con trai sau khi biết sự thực đã từ chối gặp cha mẹ.
(CATP) "Trong khi tôi khóc vì nghĩ rằng chồng mình đã chết đuối thì anh ấy lại ở khu nghỉ dưỡng và tận hưởng niềm vui trong hồ bơi", vợ của Raymond Roth phẫn nộ tố cáo. Mặc dù vậy, bản thân Raymond - người đàn ông Mỹ lãnh án 7 năm tù vào năm 2014 về tội
giả chết để trục lợi 400.000 USD bảo hiểm nhân thọ - biện hộ rằng, ông ta chỉ giả chết để thoát khỏi tay người vợ già mà thôi.