(CATP) "Trong khi tôi khóc vì nghĩ rằng chồng mình đã chết đuối thì anh ấy lại ở khu nghỉ dưỡng và tận hưởng niềm vui trong hồ bơi", vợ của Raymond Roth phẫn nộ tố cáo. Mặc dù vậy, bản thân Raymond - người đàn ông Mỹ lãnh án 7 năm tù vào năm 2014 về tội giả chết để trục lợi 400.000 USD bảo hiểm nhân thọ - biện hộ rằng, ông ta chỉ giả chết để thoát khỏi tay người vợ già mà thôi.
Chỉ vì khoản tiền bảo hiểm
Chiều 28/7/2012, bà Evana Roth suýt ngã gục khi được tin ông Raymond mất tích ở bãi biển Jones Beach thuộc công viên quốc gia cùng tên ở bang New York (Mỹ), nơi ông sẽ đến bơi sau khi chia tay bà 3 tiếng đồng hồ trước đó.
Cuộc truy tìm diễn ra sau khi Tổng đài khẩn cấp 911 nhận được lời cầu cứu đầy hoảng loạn của Jonathan Roth (22 tuổi), con trai ông Raymond, rằng cậu không liên lạc được với cha dượng mình qua tin nhắn trong lúc ông đi bơi vào buổi chiều mỗi ngày.
Dù không ai nhìn thấy ông Raymond lội xuống nước, nhưng cuộc truy tìm vẫn được nhiều lực lượng tiến hành trên biển trong suốt 4 ngày sau đó. Người ta tìm thấy trên bờ quần áo, điện thoại, ví tiền, chìa khóa xe hơi của ông Raymond xếp đặt rất gọn ghẽ.
Sau mấy ngày vẫn chưa có tin gì mới từ cuộc truy tìm, bà Evana quyết định chuẩn bị tang lễ cho chồng. Mới cách đây khoảng 10 ngày, ông bị sa thải khỏi vị trí quản lý tại 1 doanh nghiệp điện thoại vì dọa bắn 2 người giám sát. Sau vụ này, ông Raymond bị cảnh sát tịch thu súng, vì thế ông đành đi tìm việc mới, thậm chí còn đóng gói tất cả những bộ vest của mình đồng thời rao bán ngôi nhà 4 phòng. Trả lời thắc mắc của vợ, ông bảo sẽ quay lại lái xe tải nên không cần mặc vest. Chỉ có điều lạ là 1 tuần trước, người đàn ông này lại nâng trị giá khoản tiền bảo hiểm nhân thọ lên gấp ba... Lẽ nào?
Raymond Roth (giữa) bị bắt
Trong khi thu dọn đồ đạc, hôm 01/8 bà Evana mở máy tính của chồng và vô tình đọc được những thư điện tử trao đổi giữa chồng và con trai. Trong buổi sáng trước khi "mất tích", chồng bà đã gửi 3 lá thư cho con trai với chủ đề "Đi xa", trong đó ông lên cho anh này 1 kế hoạch và báo giấy tờ nhà, nữ trang đã được giao lại cho những người họ hàng cụ thể nào. "Cần phải có cách nào đó để bố biết mọi chuyện diễn ra thế nào. Gọi cho bố lúc 8 giờ tối Chủ nhật tại khu nghỉ dưỡng", viên kỹ sư máy tính ra lệnh và không quên nói thêm: "Con không được gọi từ điện thoại của mình, hãy đến một trạm điện thoại công cộng hoặc mượn máy của bạn". Trong thư, ông ta còn cho biết cần phải ra ngân hàng rút tiền cho "chuyến đi xa" và nhắc con trai xếp đồ vào xe cho mình.
Cuộc đào tẩu bất thành
Choáng váng, bà Evana gọi anh trai của Raymond tới. Cùng nhau bàn bạc, họ quyết định người anh sẽ báo cho cảnh sát 1 địa chỉ ở Florida, cách Jones Beach khoảng 600km về phía Nam, là nơi mà ông Raymond định sẽ tới. Tuy nhiên, cảnh sát không tìm thấy ông này ở đó! Cùng ngày 01/8, cảnh sát ở Nam Carolina đã chặn 1 chiếc xe phóng với tốc độ 90 dặm/giờ, vượt quy định trên xa lộ liên tiểu bang số 95. Kiểm tra giấy tờ, họ biết đó là Raymond Roth, có tên trong danh sách liên bang về trường hợp mất tích. Trả lời câu hỏi của cảnh sát, Raymond cho biết ông cãi nhau với vợ và bỏ đi.
Một ngày sau, tức 02/8, bà Evana nhấc máy điện thoại khi nghe tiếng chuông đổ, nhưng đầu dây bên kia chỉ có tiếng thở phì phò, sau đó bị ngắt. Khi tiếng chuông xuất hiện trở lại, bà nghe thấy người hỏi như "từ dưới mồ dội lên": "Chẳng lẽ không nhận ra tôi?". Rõ ràng Raymond đang đứng hoặc chạy xe quanh nhà, vì ông ta nhận xét rằng có nhiều phóng viên đang tụ tập trước cửa. Ngay hôm đó, bà Evana làm đơn xin ly hôn và đề nghị tòa án ra lệnh cấm Raymond tiếp cận bà.
Thực sự là ông Raymond đã quay về, nhưng theo lời khuyên của luật sư, ông ta chui vào một bệnh viện địa phương nằm để trị "sốc tinh thần" sau khi mất việc. Thời gian này, vì chưa có đủ chứng cứ để động tới Raymond, các điều tra viên để yên và quay sang Jonathan. Ngày 31/7, anh này đã cố gắng nộp đơn yêu cầu công ty bảo hiểm bồi hoàn cho "cái chết" của cha. Trả lời các câu hỏi của cảnh sát và nhân viên điều tra bảo hiểm, Jonathan thú nhận bị cha dượng bắt ép tham gia kế hoạch giả chết đuối. Anh ta và Raymond đi tới bãi biển bằng 2 chiếc xe, chứ không phải 1 như lúc đầu Jonathan khai với cảnh sát. Raymond chưa hề bước chân xuống biển vào chiều 28/7, ông ta lái xe tới thẳng khu nghỉ dưỡng khác và ở đó cho tới khi tìm đường xuống Florida thì bị giữ lại. Phần của Jonathan là gọi điện báo ông ta mất tích.
Với cáo buộc tham gia lừa đảo trục lợi bảo hiểm, Jonathan bị bắt giam hôm 06/8, nhưng sau đó đã đồng ý làm chứng chống lại Raymond nên được phía công tố đồng ý không phạt tù. Được 1 công ty chuyên bảo lãnh tại ngoại nộp 100.000 USD thế chân chờ ngày ra tòa, Jonathan đã vi phạm điều kiện tại ngoại và không có mặt tại tòa (anh ta giải thích là vì nghèo quá nên không có tiền mua vé xe tới tòa), bị phạt giam 1 năm.
Trước tòa, vào năm 2014 Raymond Roth khẳng định không có ý định lừa đảo lấy tiền bảo hiểm, mà chỉ muốn chạy trốn khỏi bà vợ và đổ tội cho Jonathan "làm bậy" khi nộp đơn đòi tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, tòa án vin vào việc Raymond tăng gấp 3 trị giá số tiền được bảo hiểm ngay trước ngày "mất tích" cùng với lời khai của Jonathan, nên đã xem chúng là bằng chứng cho thấy bị cáo có ý định lừa đảo. Raymond Roth bị kết án 7 năm tù, thời hạn tù giam bắt buộc là 2 năm trước khi có thể nộp đơn xin giảm án hoặc ân xá; ngoài ra còn phải bồi hoàn cho nhà nước 70.000 USD phí tổn tìm kiếm ông ta trên biển.
(CATP) Theo thống kê của cơ quan điều tra, giả đuối nước là phương cách trốn tránh luật pháp được giới tội phạm sử dụng nhiều nhất sau vờ điên và mất trí nhớ, bởi nếu chết đuối trong nhiều trường hợp sẽ không tìm thấy xác và khi ấy, vụ án sẽ phải khép lại theo lẽ thường tình. Tuy nhiên, lưới trời bao la nên nhiều kẻ giả chết vẫn bị pháp luật "vớt" trọn theo nhiều cách khác nhau.