Năm 2022 thế giới sẽ ra sao?

Thứ Sáu, 31/12/2021 13:37

|

(CAO) Trước thềm năm mới, Thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức khó khăn: đại dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, tình trạng khẩn cấp về khí hậu, khủng hoảng nhân đạo, di cư hàng loạt và chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia....

Trung Đông

Các sự kiện ở Trung Đông sẽ lại trở thành tâm điểm toàn cầu vào năm 2022. World Cup sẽ khởi tranh tại Qatar vào tháng 11. Đây là lần đầu tiên một quốc gia Ả Rập và là quốc gia Hồi giáo đăng cai tổ chức giải đấu. Nó được kỳ vọng sẽ mang đến cơ hội cho Vùng Vịnh về mặt kinh doanh và du lịch trong tương lai - và có thể là mang đến cả các hình thức quản trị tiến bộ, cởi mở hơn.

Nhưng sự lựa chọn của Qatar, bị lu mờ bởi các cáo buộc tham nhũng, đã gây tranh cãi ngay từ đầu. Việc đối xử với những người lao động nhập cư được trả lương thấp là một điểm đáng chú ý khác. Ít nhất 6.500 công nhân đã thiệt mạng kể từ khi Qatar nhận được cái gật đầu từ Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) để tổ chức giải đấu này vào năm 2010. Họ thiệt mạng khi đang xây dựng 7 sân vận động, đường xá, khách sạn và một sân bay mới.

Một trong các chủ đề quen thuộc hơn của Trung Đông sẽ chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự của khu vực đó là câu hỏi liệu Israel và Mỹ có thực hiện các bước đi quân sự hoặc kinh tế mới để kiềm chế các nỗ lực của Iran, điều mà Tehran phủ nhận, nhằm đạt được khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Israel đã đe dọa không kích nếu các cuộc đàm phán diễn ra chậm chạp nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 không thành công.

World Cup tổ chức ở Qatar là một trong những sự kiện chính 

Sự chú ý cũng sẽ tập trung vào tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Recep Tayyip Erdoğan, khi chính sách đối ngoại hiếu chiến của ông đang gây tranh cãi. Sự hợp tác với Nga về vấn đề Syria và tình trạng quản lý kinh tế yếu kém có thể gây ra những hậu quả khó lường.

Các điểm nóng khác có thể là Lebanon - đang đứng trên bờ vực trở thành một quốc gia thất bại như Yemen bị chiến tranh tàn phá, và một Libya luôn hỗn loạn. Cũng cần chú ý đến Palestine, nơi có tổng thống không được lòng dân, việc hoãn bầu cử của Mahmoud Abbas, bạo lực của người định cư Israel cùng sự thiếu hụt của một tiến trình hòa bình xuất hiện, trở thành một trong những vấn đề chính.

Châu Á – Thái Bình Dương

Ở khu vực này, Thế giới sẽ đổ dồn ánh mắt vào Trung Quốc. Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào cuối năm nay, sẽ là một sự kiện gây thu hút. Chủ tịch Tập Cận Bình hy vọng sẽ có được một nhiệm kỳ 5 năm thứ ba, nếu đạt được, nhiệm kỳ này sẽ khẳng định vị thế của ông là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông.

Ông Tập đang đối mặt với nhiều vấn đề: Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, khủng hoảng nợ, dân số già, những thách thức lớn liên quan đến khí hậu và môi trường, và những nỗ lực do Mỹ đứng đầu nhằm “kiềm chế” Trung Quốc bằng cách liên minh với các nước đều đang gây áp lực lên ông Tập.

Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong khu vực của Trung Quốc cũng có thể là tâm điểm. Năm nay, tổng dân số nước này có thể vượt qua mốc 1,41 tỷ người của Trung Quốc, theo một số ước tính. Tuy nhiên, cùng lúc đó, tỷ lệ sinh và quy mô gia đình trung bình của Ấn Độ đang giảm. Các tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya chưa được giải quyết giữa hai nước láng giềng khổng lồ cũng có thể dẫn đến bạo lực và phản ánh mối quan hệ song phương đang dần xấu đi.

Thế giới hướng về sự điều hành của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình 

Sự ủng hộ của dành cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đã giảm sút do đại dịch và nền kinh tế trì trệ. Đảng BJP của ông sẽ cố gắng giành lại vị trí đã mất trong một chuỗi các cuộc bầu cử cấp bang vào năm 2022. Chính sách của Modi về mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây, tiêu biểu là liên minh Bộ tứ Quad (Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Úc) có thể sẽ được củng cố, làm tăng thêm sự khó chịu cho Trung Quốc.

Ở những nơi khác ở châu Á, bạo lực ở Myanmar và hoàn cảnh tuyệt vọng của người dân Afghanistan sau sự tiếp quản của Taliban có thể sẽ kích hoạt sự nhúng tay của phương Tây. Afghanistan đang đứng trên bờ vực của thảm họa.

David Beasley thuộc Chương trình Lương thực Thế giới cho biết: “Chúng tôi ước tính 23 triệu người của nước này đang đói. 6 tháng tới sẽ rất thảm khốc".

Tại CHDCND Triều Tiên, vấn đề hạt nhân vẫn tiếp tục nóng bỏng. Còn tại Philippines sẽ bầu tổng thống mới trong bối cảnh ông Rodrigo Duterte bị giới hạn trong một nhiệm kỳ duy nhất.

Châu Âu

Đây sẽ là một năm quan trọng đối với châu Âu khi các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đang phải đối mặt với những chia rẽ căng thẳng trong và ngoài nước, tác động đến xã hội và kinh tế của đại dịch không hồi kết, di cư và những thách thức mới được củng cố.

Về cơ bản hơn, Châu Âu phải quyết định xem mình muốn được coi trọng như một tác nhân toàn cầu, hay sẽ nhượng bộ ảnh hưởng quốc tế của mình cho Trung Quốc, Mỹ và Nga.

Pháp đảm nhận vị trí chủ tịch EU vào tháng 1 và tổng thống Macron sẽ cố gắng thúc đẩy các ý tưởng của mình về chính sách quốc phòng và an ninh chung - điều mà ông gọi là "quyền tự chủ chiến lược".

Niềm tin của Macron rằng châu Âu phải tự đứng lên trong một thế giới thù địch sẽ được đưa vào thử thách trên nhiều mặt trận, đặc biệt là Ukraine. Các nhà phân tích cho rằng việc gia tăng áp lực quân sự của Nga, bao gồm cả việc tăng cường quân số lớn ở biên giới và mối đe dọa triển khai tên lửa hạt nhân có thể dẫn đến xung đột mới vào đầu năm khi NATO tiếp tục lùi bước.

Các vấn đề khác bao gồm việc Belarus với vấn nạn di cư (và việc tiếp tục không có chính sách di cư nhân đạo từ châu Âu) cũng như vấn đề ly khai rắc rối ở Bosnia-Herzegovina và Balkan cũng có thể thành những vấn đề chính. EU đang lên kế hoạch cho một hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc, nhưng không có sự nhất trí nào về cách cân bằng giữa vấn đề kinh doanh và nhân quyền.

Vấn nạn di cư đối với Châu Âu vẫn là chủ đề nóng bỏng

Ở nước Anh, tình hình cô lập ngày càng tăng khiến sự hối hận của những người từng yêu cầu rời Liên minh Châu Âu (Brexit) chắc chắn sẽ tăng lên.

Mối quan hệ với Mỹ, vốn có quan điểm mờ nhạt về quyền tự trị của châu Âu nhưng lại tỏ ra mâu thuẫn với Ukraine, đôi khi có thể gây ra căng thẳng.

Sự tín nhiệm của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dành cho Mỹ đã bị tổn hại sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Tổ chức này phải đối mặt với một năm khó khăn khi họ tìm kiếm một tổng thư ký mới.

Khu vực Mỹ La-tinh

Cuộc đấu tranh để đánh bại Jair Bolsonaro, tổng thống cánh hữu của Brazil, trong cuộc bầu cử quốc gia diễn ra vào tháng 10 có vẻ sẽ tạo ra một trận chiến hoành tráng.

Ở Brazil, Bolsonaro đã bị lên án rộng rãi vì xử lý cẩu thả gây chết người đối với đại dịch Covid-19. Hơn nửa triệu người Brazil đã chết, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào kể cả Mỹ. Ngoài Brazil, Bolsonaro bị chỉ trích vì phủ nhận biến đổi khí hậu và sự tàn phá nhanh chóng của rừng nhiệt đới Amazon.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, Luiz Inácio Lula da Silva, cựu tổng thống bị bỏ tù và sau đó được xóa tội danh tham nhũng, sẽ dễ dàng đánh bại Bolsonaro. 

Tổng thống của Argentina - Alberto Fernández phải đối mặt với một loại vấn đề khác trong một năm có vẻ khó khăn sắp tới. Tổng thống Mexico, Andrés Manuel López Obrador, sẽ đối mặt với những căng thẳng đang diễn ra với Mỹ về thương mại, ma túy và di cư từ Trung Mỹ.

Tổng thống Brazil - Bolsonaro trở thành tâm điểm trong cuộc bầu cử trong khu vực

Bắc Mỹ

Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào chiến dịch cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 khi đảng Dân chủ sẽ cố gắng chống lại nỗ lực của đảng Cộng hòa để giành lại quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Kết quả chắc chắn sẽ được xem như một cuộc trưng cầu dân ý về nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden.

Áp lực từ những người di cư Trung Mỹ ở biên giới phía nam của Mỹ có thể sẽ là một câu chuyện gây tranh cãi vào năm 2022 - một vấn đề mà Harris, người được giao nhiệm vụ giải quyết. Bà và Biden bị cáo buộc tiếp tục các chính sách khắc nghiệt của Trump. Niềm tin vào năng lực của Biden cũng đã bị xói mòn bởi cuộc rút quân hỗn loạn của Afghanistan.

Một sự thất bại trong chính sách đối ngoại lớn khác hoặc xung đột ở nước ngoài - chẳng hạn như việc Nga đưa quân vào Ukraine, áp lực của Trung Quốc gây ra đối với Đài Loan hoặc xung đột Israel-Iran - có khả năng thu hút lực lượng Mỹ và có thể sẽ phá hỏng nhiệm kỳ tổng thống của Biden.

Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ trở thành sự kiện đáng quan tâm 

Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau dự kiến ​​sẽ thúc đẩy các sáng kiến ​​chính sách mới về chăm sóc trẻ em và nhà ở giá cả phải chăng sau khi tái đắc cử vào tháng 9. Nhưng trong cuộc bầu cử nhanh chóng vào năm 2021, Đảng Tự do của ông đã thu hút được tỷ lệ phiếu phổ thông nhỏ nhất so với bất kỳ đảng chiến thắng nào trong lịch sử, cho thấy sự ủng hộ dành cho Trudeau đang giảm dần. Các tranh chấp xoay quanh cáo buộc tham nhũng, quản lý đại dịch, thương mại với Mỹ và chính sách giảm thiểu khí thải carbon cũng là một trong những vấn đề chính đối với Canada.

Bình luận (0)

Lên đầu trang