(CAO) Đoạn video ghi cảnh người giao hàng quỳ gối trước một nhân viên bảo vệ đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận Trung Quốc.
BBC đưa tin những người bảo vệ đã ngăn người giao hàng rời khỏi một tòa nhà ở thành phố Hàng Châu hôm 12/8 với cáo buộc người này đã làm hỏng lan can khi leo lên trong quá trình giao hàng gấp rút.
Cảnh sát thành phố cho biết, vì lo lắng cho chuyến giao hàng tiếp theo của mình sẽ bị trễ, người giao hàng đã quỳ xuống và cầu xin được các bảo vệ của toà nhà thả ra.
Vụ việc đã gây ra sự phẫn nộ trên mạng khi nhiều người kêu gọi chính quyền cần có chính sách bảo vệ tốt hơn cho người lao động.
Khoảng 12 triệu người làm nghề giao hàng ở Trung Quốc và đại dịch Covid đã thúc đẩy sự tăng trưởng bùng nổ của những người chuyển sang làm việc trong lĩnh vực này.
Nghề giao hàng nổi tiếng với những quy định về thời hạn chặt chẽ, trong đó những người lái xe giao hàng lương thấp phải chịu những chế tài nghiêm khắc nếu xảy ra tình trạng giao hàng chậm trễ và phản hồi kém của khách hàng.
Nhiều người cũng phải làm việc nhiều ngày và kiếm được chưa đầy 1 USD cho mỗi lần giao hàng.
Vụ việc hôm 12/8 đã thu hút rất đông người đi giao hàng giận dữ tìm đến tòa nhà ở trung tâm thành phố Hàng Châu để bày tỏ bất bình khiến cảnh sát phải điều động hàng chục sĩ quan để quản lý tình hình bao gồm cả đội đặc nhiệm.
Cảnh sát Hàng Châu hôm 13/8 đã đưa ra tuyên bố kêu gọi công chúng “giữ bình tĩnh và tìm cách thấu hiểu nhau”.
Cảnh người giao hàng quỳ gối trước bảo vệ sau khi xảy ra sự cố đang khiến dư luận phẫn nộ
Meituan - nền tảng giao hàng là nơi mà người giao hàng quỳ gối trước bảo vệ làm việc cho hay họ sẽ “chịu trách nhiệm kỹ lưỡng” trong việc xem xét liệu nhân viên của mình có bị đối xử bất công hay không và đảm bảo những người giao hàng được bảo vệ đúng cách.
Nền tảng này nói thêm rằng họ đã trả tiền để sửa chữa các lan can bị hỏng.
Các hashtag liên quan đến vụ việc đã thu hút hàng trăm triệu lượt xem trên nền tảng mạng xã hội Weibo trong vài ngày qua. Một số người dùng lên án "chiến thuật bắt nạt" của nhân viên bảo vệ, trong khi số khác thừa nhận tài xế giao hàng đã mắc sai lầm.
"Cả hai đều là công nhân lương thấp. Tại sao mọi chuyện lại thành ra thế này?" - một người dùng viết trên Weibo.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã đưa ra các hướng dẫn để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động tự do, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.
Những vụ việc các tài xế giao hàng đụng độ với nhân viên bảo vệ ở Trung Quốc từng gây xôn xao dư luận trong quá khứ.
Vào tháng 1 năm nay, một người giao hàng ở thành phố Thanh Đảo, phía đông Trung Quốc đã bị nhân viên bảo vệ đâm chết vì đi vào một tòa nhà mà không được phép.