Nhật Bản dõi theo 8 tàu chiến của Nga và Trung Quốc tiến gần lãnh thổ

Thứ Năm, 23/06/2022 13:21  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 23-6, CNN đưa tin ít nhất 8 tàu chiến của Nga và Trung Quốc đã được phát hiện ở các vùng biển gần Nhật Bản trong tuần này.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 22-6 cho biết các lực lượng của họ đã quan sát thấy 5 tàu chiến Nga do một tàu khu trục chống tàu ngầm dẫn đầu đi qua eo biển Tsushima, ngăn cách Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hải đội 5 tàu của Nga đã ở gần các hòn đảo của Nhật Bản trong một tuần, từ Hokkaido ở phía bắc đến Okinawa ở phía nam, Bộ cho biết trong một thông cáo báo chí.

Trong khi đó, ít nhất hai tàu chiến và một tàu tiếp liệu của Trung Quốc đã được ghi nhận hôm 22-6 tại gần quần đảo Izu, cách thủ đô Tokyo khoảng 500 km (310 dặm) về phía nam. Một trong những con tàu đó dường như là Lhasa, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 55 và là một trong những tàu nổi mạnh nhất của Trung Quốc.

Bộ cho biết nhóm tàu này đã hoạt động ở vùng biển gần Nhật Bản kể từ ngày 12-6.

James Brown, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple ở Tokyo, cho biết: “Đây là một sự phô trương lực lượng rõ ràng của cả Nga và Trung Quốc.

Những hoạt động này là một mối lo lớn đối với Nhật Bản. Hơn nữa, việc theo dõi các chuyển động của cả lực lượng quân đội Nga và Trung Quốc là một căng thẳng đối với nguồn lực của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản".

Không có tuyên bố nào từ Tokyo rằng các nhóm hải quân Nga và Trung Quốc đang phối hợp hành động, giống như họ đã làm vào tháng 10 năm ngoái khi tổng cộng 10 tàu chiến của Nga và Trung Quốc cùng tham gia các cuộc tập trận trong đó họ đi vòng qua phần lớn quần đảo Nhật Bản.

Tàu khu trục Đô đốc Panteleyev của Nga đi gần lãnh thổ Nhật Bản - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản

Gần đây hơn, khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chủ trì hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Australia và Ấn Độ tại Tokyo, lực lượng không quân Trung Quốc và Nga đã tiến hành các cuộc tuần tra trên không chiến lược chung trên Biển Nhật Bản, Biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi đây là một phần của kế hoạch hợp tác quân sự hàng năm.

Brown cho biết việc Thủ tướng Kishida đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh đó chỉ là một lý do khiến Bắc Kinh muốn thể hiện sự không hài lòng với Tokyo. Ông Brown nói: “Bắc Kinh đã rất tức giận trước những tuyên bố của Nhật Bản liên quan đến an ninh của Đài Loan. Trên thực tế, tại hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo, Tổng thống Joe Biden đã nói rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc cố gắng chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Nhà Trắng sau đó đã bác bỏ bình luận đó, nhưng Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự hùng hậu ở Nhật Bản - quân đội có thể tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột nào”.

Trong khi đó, Moscow đã tỏ ra tức giận trước sự ủng hộ của Tokyo đối với Ukraine sau khi các lực lượng Nga tấn công nước láng giềng châu Âu của họ gần 4 tháng trước, Brown nói. Sự hỗ trợ đó bao gồm việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow và trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

"Do đó, Nga muốn sử dụng sức mạnh quân sự của mình để đe dọa Nhật Bản với hy vọng rằng điều này sẽ ngăn cản Tokyo áp đặt thêm các biện pháp như vậy" - Brown nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang