(CATP) Cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang tuần thứ 3 với nhiều chỉ trích lẫn lo ngại, nhưng có một khía cạnh ít được đề cập đến là ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) đang cung cấp vũ khí (VK) cho cả hai bên sẽ thu được lợi nhuận đáng kể.
Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ mua và giao 450 triệu euro trị giá VK cho Ukraine, trong khi Mỹ cam kết viện trợ quân sự thêm 350 triệu đôla ngoài 90 tấn vật tư quân sự và 650 triệu đôla riêng trong năm qua. Gộp chung lại, điều này cho thấy Mỹ và NATO đang gửi 17.000 VK chống tăng và 2.000 tên lửa phòng không Stinger cho Ukraine. Một liên minh quốc tế gồm nhiều quốc gia cũng sẵn sàng trang bị VK cho Ukraine, bao gồm cả vương quốc Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc và Canada.
Đây là mối lợi lớn cho các nhà thầu quốc phòng lớn trên thế giới. Chỉ cần đưa ra một vài ví dụ, nhà chế tạo tên lửa Stinger - Raytheon, cùng với Lockheed Martin - nhà chế tạo tên lửa chống tăng Javelin đang hưởng lợi lớn khi những VK này được Mỹ và Estonia cung cấp cho Ukraine. Cổ phiếu của 2 tập đoàn quốc phòng Mỹ, Lockheed và Raytheon, đều tăng với mức tương ứng khoảng 16% và 3% kể từ khi chiến sự nổ ra, so với mức giảm 1% của chỉ số cổ phiếu S&P 500.
Cổ phiếu của Bae Systems - tập đoàn sản xuất VK hàng đầu thế giới và lớn nhất ở vương quốc Anh lẫn châu Âu - tăng 26%. Trong top 5 nhà thầu hàng đầu thế giới về doanh thu chỉ có Hãng Boeing là giảm, do liên quan chặt chẽ đến các hãng hàng không vốn bị điêu đứng vì đại dịch Covid-19 cùng nhiều lý do khác.
Cổ phiếu của nhà thầu quốc phòng Mỹ Raytheon tăng mạnh kể từ khi chiến sự bùng phát ở Ukraine
Trước khi xung đột nổ ra, các công ty sản xuất VK hàng đầu của phương Tây đã báo cáo chi tiết cho các nhà đầu tư về khả năng tăng lợi nhuận của họ. Chẳng hạn, Gregory J Hayes - Giám đốc điều hành nhà khổng lồ quốc phòng Mỹ Raytheon - hôm 25-1 nói với các nhà đầu tư khi thảo luận từ xa về kết quả tài chính của một kỳ báo cáo: "Những căng thẳng ở Đông Âu đang gây áp lực lên chi tiêu quốc phòng trong khu vực".
Thậm chí vào thời điểm trên, ngành CNQP toàn cầu được dự báo sẽ tăng 7% trong năm 2022. Rủi ro lớn nhất đối với các nhà đầu tư theo giải thích của Richard Aboulafia - Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Mỹ AeroDynamic Advisory - là "toàn bộ những tiết lộ về kế hoạch bấp bênh và mối đe dọa của Nga tan biến".
Với những gì đang diễn ra, các công ty quốc phòng đang hưởng lợi theo nhiều cách. Ngoài trực tiếp bán VK cho các bên tham chiến và cung cấp cho các quốc gia đang tài trợ vũ khí cho Ukraine, họ sẽ nhận thấy nhu cầu tăng thêm từ các nước như Đức và Đan Mạch - 2 quốc gia cho biết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng.
Ngành công nghiệp VK nói chung có phạm vi toàn cầu. Mỹ dẫn đầu thế giới, với 37% trong tổng doanh số bán VK toàn cầu giai đoạn 2016-2020; kế đó là Nga với 20%, tiếp theo là Pháp (8%), Đức (6%) và Trung Quốc (5%).
Ngoài ra còn nhiều nhà xuất khẩu khác có thể hưởng lợi trong cuộc chiến này. Thổ Nhĩ Kỳ đã bất chấp các cảnh cáo từ Nga và khẳng định cung cấp cho Ukraine các VK như máy bay không người lái công nghệ cao - mối lợi lớn cho ngành công nghiệp của nước này, vốn cung cấp gần 1% ra thị trường thế giới.
Và với việc Israel đang hưởng khoảng 3% doanh thu toàn cầu, một trong những tờ báo của nước này gần đây đã đăng một bài viết có nội dung "Người chiến thắng sớm trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga: Ngành CNQP Israel".
Hiện Nga cũng đang xây dựng ngành công nghiệp của riêng mình để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây từ năm 2014. Moscow đã thiết lập chương trình lớn thay thế nhập khẩu nhằm giảm sự phụ thuộc vào VK và chuyên môn của nước ngoài cũng như tăng cường bán ra nước khác.
Là nhà xuất khẩu VK lớn thứ 2 thế giới, Nga nhắm vào loạt khách hàng quốc tế, xuất khẩu VK của họ đã giảm 22% trong khoảng thời gian 2016-2020, nhưng điều này phần lớn là do doanh số bán sang Ấn Độ giảm 53%. Trong khoảng thời gian này, họ lại tăng đáng kể doanh số bán VK sang Trung Quốc, Algeria, Ai Cập.
Tựu trung, tất cả phải công nhận rằng hòa bình lâu dài trên thế giới là không thể nếu không loại bỏ càng nhiều càng tốt việc chế tạo và bán VK như một ngành kinh tế sinh lợi.
Phạm Hồng (theo Asia Times, The Conversation)