Theo đó McDonald's và Starbucks đang đóng cửa các nhà hàng và quán cà phê của họ ở Nga, còn Coca-Cola thì ngừng hoạt động ở Nga để đáp trả việc Nga đưa quân vào Ukraine. PepsiCo cũng đang rút một số sản phẩm của họ khỏi thị trường Nga.
"McDonald's đã quyết định tạm thời đóng cửa tất cả các nhà hàng của chúng tôi ở Nga và tạm dừng mọi hoạt động trên thị trường nước này" - Giám đốc điều hành Chris Kempczinski cho biết trong một tuyên bố hôm 8-3.
Theo một tài liệu của nhà đầu tư, có 847 điểm bán của McDonald's ở Nga vào cuối năm ngoái.
Trên toàn cầu, hầu hết các điểm bán thức ăn nhanh của McDonald's được vận hành bởi các nhà điều hành nhượng quyền. Nhưng đó không phải là trường hợp ở Nga, nơi 84% điểm bán được điều hành trực tiếp bởi công ty mẹ, theo tài liệu.
Được biết, các điểm bán ở Nga cùng với 108 nhà hàng khác ở Ukraine, tất cả đều do McDonald's điều hành, chiếm 9% doanh thu của công ty vào năm 2021.
"Tại Nga, chúng tôi tuyển dụng 62.000 người, làm việc với hàng trăm nhà cung cấp và đối tác địa phương, Nga, những người sản xuất thực phẩm cho thực đơn của chúng tôi và ủng hộ thương hiệu của chúng tôi" - Kempczinski nói.
"Và chúng tôi phục vụ hàng triệu khách hàng Nga mỗi ngày tin tưởng vào McDonald's. Trong hơn 30 năm McDonald's đã hoạt động tại Nga, chúng tôi đã trở thành một phần thiết yếu của 850 cộng đồng mà chúng tôi đang hoạt động".
Tuy nhiên, ông nói thêm, "đồng thời, các giá trị của chúng tôi có nghĩa là chúng tôi không thể bỏ qua những đau khổ của con người đang diễn ra ở Ukraine".
Trong một thông điệp hôm 8-3 tới các nhân viên, Giám đốc điều hành Starbucks - Kevin Johnson cũng nói rằng "hôm nay, chúng tôi đã quyết định tạm ngừng mọi hoạt động kinh doanh tại Nga".
Ông nói thêm rằng "đối tác được cấp phép của chúng tôi đã đồng ý tạm dừng ngay lập tức hoạt động của cửa hàng và sẽ hỗ trợ gần 2.000 nhân viên ở Nga, những người phụ thuộc vào Starbucks để kiếm sống".
Johnson nói thêm rằng Starbucks đang tạm dừng vận chuyển tất cả các sản phẩm của Starbucks đến Nga. Ông nói: “Chúng tôi lên án các cuộc tấn công khủng khiếp nhắm vào Ukraine của Nga và trái tim của chúng tôi dành cho tất cả những người bị ảnh hưởng”.
Hôm 8-3, Coca-Cola cũng cho biết họ đang "tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga".
Một cửa hàng McDonald's ở Nga - Ảnh: Getty
Trong khi đó, Giám đốc điều hành PepsiCo, Ramon Laguarta tuyên bố: "Trước những sự kiện kinh hoàng đang xảy ra ở Ukraine, chúng tôi thông báo ngừng bán Pepsi-Cola và các nhãn hiệu đồ uống toàn cầu của chúng tôi ở Nga, bao gồm 7Up và Mirinda".
Laguarta nói thêm rằng Pepsi đang tạm ngừng đầu tư vốn, quảng cáo và hoạt động khuyến mại ở Nga.
Nhưng PepsiCo sẽ tiếp tục bán một số sản phẩm của mình, bao gồm sữa bột trẻ em, thức ăn trẻ em và các loại sữa khác.
Laguarta cho biết: “Chúng tôi có trách nhiệm tiếp tục cung cấp các sản phẩm khác của mình ở Nga, bao gồm cả các mặt hàng thiết yếu hàng ngày. Bằng cách tiếp tục hoạt động, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho 20.000 cộng sự người Nga và 40.000 công nhân nông nghiệp Nga trong chuỗi cung ứng của chúng tôi khi họ phải đối mặt với những thách thức và tương lai không chắc chắn phía trước" - ông nói thêm.
Farryl Bertmann, một chuyên gia dinh dưỡng và giảng viên cao cấp tại khoa dinh dưỡng và khoa học thực phẩm tại Đại học Vermont, cảnh báo rằng nếu các công ty thực phẩm lớn rời khỏi Nga, người dân có thể bị thiệt hại, ngay cả khi họ có các nguồn thực phẩm khác thay thế.
Các thông báo được đưa ra sau áp lực từ các nhà chỉ trích kêu gọi các công ty toàn cầu rời khỏi Nga. Một số công ty phương Tây trong nhiều ngành công nghiệp đã tạm dừng hoạt động ở Nga sau cuộc tấn công của nước này nhắm vào Ukraine, tuy nhiên một số công ty vẫn tiếp tục bán sản phẩm của họ tại nước này.
Đối với một số chuỗi nhà hàng, đó có thể là do các địa điểm được điều hành bởi nhượng quyền thương mại, mang lại cho chủ sở hữu công ty ít quyền kiểm soát hơn.
Yum Brands (YUM), công ty sở hữu KFC, Pizza Hut, Taco Bell và Habit Grill, cho biết trong một tuyên bố rằng họ "đã đình chỉ mọi hoạt động đầu tư và phát triển nhà hàng ở Nga".
Công ty nói thêm rằng họ sẽ "chuyển hướng tất cả lợi nhuận từ các hoạt động ở Nga sang các nỗ lực nhân đạo" ngoài việc quyên góp cho Hội Chữ thập đỏ thông qua Quỹ Yum Brands.
Công ty cũng cho biết họ đang "đình chỉ hoạt động của các cửa hàng thuộc sở hữu của công ty KFC ở Nga và hoàn tất thỏa thuận đình chỉ tất cả các hoạt động của nhà hàng Pizza Hut tại Nga, với sự hợp tác của chủ nhượng quyền".
"Hành động này được xây dựng dựa trên quyết định của chúng tôi là đình chỉ mọi hoạt động đầu tư và phát triển nhà hàng ở Nga và chuyển hướng tất cả lợi nhuận từ các hoạt động ở Nga sang các nỗ lực nhân đạo" - công ty cho biết trong một bản tin.
Yum có khoảng 1.000 nhà hàng KFC và 50 địa điểm Pizza Hut ở Nga. Công ty cho biết hầu hết trong số này được điều hành bởi các chủ sở hữu độc lập.