(CAO) Ấn Độ đang cân nhắc việc phát triển trí tuệ nhân tạo (Al) cho các rô bốt sẽ phục vụ trong quân đội nước này vào thời gian tới. Điều đặc biệt là các rô bốt quân nhân có thể tự quyết định hành động mà không cần thông qua con người.
Điều này đồng nghĩa với việc những con "rô bốt quân nhân" sẽ không cảm thấy thương hại, hối hận hay sợ hãi. New Delhi tin rằng công nghệ này sẽ định hình lại tình hình an ninh quốc phòng và đuổi theo kịp về mặt công nghệ vũ khí so với các cường quốc về lĩnh vực này.
Một cuộc họp đặc biệt gồm 17 thành viên là các quan chức quân đội Ấn Độ, người của Bộ quốc phòng, nhà thầu vũ khí, tổ chức nghiên cứu đã nhóm họp và được thành lập, rồi đi vào hoạt động từ hồi tháng 2.
Ấn Độ đang tiến hành đưa Al vào ro bốt tự động để phục vụ cho quân đội - Ảnh RT
Ông Ajay Kumar, thư ký của Bộ phận sản xuất quốc phòng tại Bộ Quốc phòng Ấn Độ, nói với tờ The Times of India: "Thế giới đang xoay chuyển và những cuộc chiến trong tương lai nhiều khả năng sẽ do Al điều khiển. Ấn Độ đang thực hiện các bước cần thiết để tạo đà phát triển Al trong quân đội. Mọi thứ tưởng chừng rất đơn giản nhưng nếu không sớm hành động, chúng ta sẽ sớm trở nên tụt hậu. Các đầu tư về lĩnh vực này sẽ cho ra kết quả trong vòng 2 năm nữa".
Công nghệ Al đã cho thấy sự phát triển nhanh chóng trong vài năm qua, nếu được thông qua bởi quân đội Ấn Độ thì các "rô bốt quân nhân" có thể tự hành động trong tương lai như: phân tích tự động dữ liệu tình báo, cải thiện hậu cần,...
Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên không ít tranh cãi về tính nhân đạo gần như không có khi các "quân nhân đặc biệt" này sẽ "không hiểu" việc mình đang làm. Đây cũng là điều lo ngại của không ít nhà khoa học, nhất là trong việc Al có thể tự thân phát triển theo cách mà nó muốn.