Cuộc “so găng” tầm ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở vùng biển chiến lược

Thứ Năm, 22/02/2018 14:55

|

(CAO) ​Quần đảo Seychelles nằm giữa Ấn Độ Dương đang trở thành “chiến trường” mới trong cuộc so găng tầm ảnh hưởng trong khu vực giữa hai “ông lớn” Ấn Độ và Trung Quốc.

CNN trong bài viết “Lo ngại về Trung Quốc gia tăng, Ấn Độ tìm cách tăng cường hiện diện quân sựSeychelles” đăng ngày 18-2 hé lộ một phần bức tranh căng thẳng này.

Nằm ở giữa Ấn Độ Dương, Seychelles thường không phải là chọn lựa trong hợp tác địa chính trị. Thế nhưng ngoài những bãi biển cát trắng và những cánh rừng nhiệt đới, quốc gia quần đảo này thời gian qua đang nổi lên như một “tay chơi” chính trong cuộc chiến của Ấn Độ chống lại sự ảnh hưởng đang ngày một gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Cuối tháng 1-2018, Ấn Độ và Seychelles đã ký một thoả thuận mở đường cho việc Ấn Độ xây dựng một căn cứ quân sự ở đảo Assumption của Seychelles. Vị trí căn cứ này chỉ nằm cách bờ đông Châu Phi 1650 km.

Thoả thuận đạt được sau nhiều năm đàm phán vất vả, sẽ cung cấp cho Ấn Độ sự hiện diện quân sự chiến lược trong khu vực.

Tên lửa phóng đi từ tàu khu trục INS Ranvir của hải quân Ấn Độ trên vịnh Bengal ngày 18-4-2017 - Ảnh: Getty Images

Vùng biển chiến lược

Vì sao Ấn Độ Dương đang trở thành vùng biển chiến lược được cả Ấn Độ và Trung Quốc để mắt đến?. CNN lý giải rằng, chỉ tính trong năm 2016 đã có khoảng 40 triệu thùng dầu được vận chuyển mỗi ngày qua vùng biển này, tương đương gần ½ lượng dầu cung cấp trên toàn thế giới, thông qua các điểm vào và ra khỏi Ấn Độ Dương từ eo Hormuz ở Trung Đông (nằm giữa Iran và Ả Rập Saudi) đến hai eo Malacca (Malaysia – Singapore) và eo Bab el-Mandeb.

Ấn Độ với hơn 7500km bờ biển Ấn Độ Dương, lại nằm ở trung tâm của vùng biển này hoàn toàn có quyền lợi gia nhập tuyến đường biển thương mại này.

Theo thống kê của chính quyền New Delhi, có khoảng 70% giá trị thương mại của Ấn Độ đến từ Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên lợi thế của Ấn Độ đang bị nước láng giềng Trung Quốc thách thức thông qua chiến lược phát triển “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh.

Tháng 7-2017, Trung Quốc lần đầu tiên khánh thành căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của họ đặt ở Djibouti, gần eo Bab el-Mandeb trông ra Ấn Độ Dương, một trong những eo biển thương mại tấp nập nhất trên Thế giới. Eo biển rộng chỉ 29km kết nối Địa Trung Hải, thông qua kênh đảo Suez và Biển Đỏ với Vịnh Aden và Ấn Độ Dương. 

Vị trí chiến lược của Seychelles ở Ấn Độ Dương - Ảnh: đồ hoạ CNN

Khai trương căn cứ ở Djibouti là động thái của Trung Quốc, chỉ vài tháng sau khi Bắc Kinh mua lại cảng Hambantota ở Sri Lanka, chỉ nằm cách đường vận chuyển thương mại trên Ấn Độ Dương 22km kết nối eo Malacca với kênh đào Suez.

CNN dẫn lời Malcolm Davis – một nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc có trụ sở ở Sydney nhận định cảng Hambantota đã giúp cộng đồng quốc tế xác định được chính sách chiến lược của Trung Quốc là gia tăng ảnh hưởng trên khắp Ấn Độ Dương nhằm gây bất lợi cho Ấn Độ. “Cảng này sẽ đem đến cho Trung Quốc không chỉ một địa điểm chiến lược nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ, thông qua đó Trung Quốc còn có thể triển khai lực lượng hải quân mà còn giúp Bắc Kinh có một vị trí chiến lược để xuất khẩu hàng hoá của mình đến những nền kinh tế chịu sự ảnh hưởng của Ấn Độ. Một mũi tên trúng hai con nhạn”. – Davis nhận định.

Trung Quốc hơn về tài lực 

Giống như Sri Lanka, Maldives gần đây cũng đang có xu hướng ngả về Trung Quốc khi nước này mời gọi đầu tư thông qua chính sách “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh.

Tuy nhiên cái khó của Ấn Độ là sự phản đối của một bộ phận người dân Seychelles với kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự này do những lo ngại về sự thiếu minh bạch và quan ngại về môi trường. Ralph Volcere – người tổ chức cuộc biểu tình nói với hãng thông tấn Seychelles rằng nước mình không nên dính líu đến “những cuộc xung đột của các siêu cường”. “Chúng ta cần giữ thái độ bình đẳng và thân thiện với với tất cả mọi nước. Không ai là kẻ thù cả” – Volcere nhấn mạnh.

Quân đội Trung Quốc diễu binh ở Djibouti ngày 27-6-2017 - Ảnh: CNN

CNN dẫn lời tướng hải quân về hưu của Ấn Độ Arun Prakash thừa nhận Trung Quốc nay đang có cả tài và lực để gia tăng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương hơn Ấn Độ: “Trung Quốc có rất nhiều tiền để chi trả, Nếu họ muốn xây một căn cứ quân sự, họ có thể xây nó xuyên đêm. Chúng tôi (Ấn Độ) không có tài chính và kỹ thuật để làm giống họ”.

Nay, cuộc chiến so găng quyền lực mềm và quân sự đang bước vào giai đoạn gay cấn giữa Ấn – Trung trên Ấn Độ Dương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang