Các phân tích cho thấy Triều Tiên có thể sẽ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Thứ Sáu, 11/03/2022 12:39  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 11-3, BBC dẫn tuyên bố của chính quyền Mỹ cho biết CHDCND Triều Tiên gần đây đã thử nghiệm các bộ phận của hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới. Washington xem đây là "sự leo thang nghiêm trọng".

Trước đó Bình Nhưỡng cho biết các vụ phóng vào ngày 26-2 và ngày 4-3 tập trung vào việc phát triển một vệ tinh do thám.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc hiện cho biết các cuộc thử nghiệm đó có khả năng là một vụ phóng ICBM.

Với tầm bắn tối thiểu 5.500 km, ICBM có thể vươn tới Mỹ. Chúng cũng có thể vận chuyển được vũ khí hạt nhân.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc - John Kirby cho biết hai vụ thử của Triều Tiên "liên quan đến một hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới".

Ông Kirby cho biết cả hai vụ phóng đều không thể hiện tầm hoặc khả năng của ICBM, nhưng các cuộc thử nghiệm đã được thực hiện "để đánh giá hệ thống mới này trước khi tiến hành thử nghiệm ở phạm vi đầy đủ trong tương lai, có khả năng ngụy trang thành một vụ phóng vào không gian" - ông Kirby nói.

"Mỹ lên án mạnh mẽ những vụ phóng này là sự vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, không cần thiết làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ làm mất ổn định tình hình an ninh trong khu vực" – Lầu Năm Góc nói.

Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều xác nhận tuyên bố của Mỹ và lên án Bình Nhưỡng.

Các phân tích cho thấy Triều Tiên có thể sẽ thử nghiệm trở lại ICBM. Ảnh: KCNA

Triều Tiên gần đây đã cảnh báo rằng họ sẽ quay lại thử nghiệm các loại vũ khí lớn hơn và tốt hơn.

Bình Nhưỡng đã thực hiện một số vụ thử tên lửa tầm ngắn giúp các nhà khoa học của họ thử nghiệm công nghệ mới. Nhưng việc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa thực sự khiến Washington phải lưu ý. Bởi vì những tên lửa này có thể vươn đến đất liền Mỹ, như Triều Tiên đã chứng minh trong các vụ phóng vào năm 2017.

Tên lửa Hwasong-12 được cho là có thể bay xa tới 4.500 km, đặt các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương trong tầm ngắm. Trong khi đó tên lửa Hwasong-14 đã chứng tỏ tiềm năng lớn hơn nữa, với tầm bắn lên đến 8.000 km.

Chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc có tên lửa đất đối không tầm này.

Ông  Kim Jong Un đã cảnh báo rằng sẽ sớm phóng "nhiều vệ tinh", mà Washington và Seoul coi là một nỗ lực để thử công nghệ tương tự như ICBM.

Các đồng minh đã tăng cường giám sát trong khu vực. Nhiều biện pháp trừng phạt sẽ được công bố.

Một lần nữa, có vẻ như căng thẳng có thể quay trở lại bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh Seoul bầu một tổng thống bảo thủ mới, người đã cam kết cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 11-3, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc liên kết hai vụ phóng gần đây với một "hệ thống ICBM mới đang phát triển" đã được đảng cầm quyền của Triều Tiên công bố trước đó trong một cuộc duyệt binh vào tháng 10.

Seoul cũng "lên án mạnh mẽ" các cuộc thử nghiệm, trong khi Nhật Bản gọi chúng là "mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh ...".

Một quan chức cấp cao của Mỹ mô tả các vụ thử là một "sự leo thang nghiêm trọng", đồng thời nói thêm rằng Mỹ sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên vào ngày 11-3.

Quan chức giấu tên cho biết các biện pháp mới sẽ ngăn Bình Nhưỡng tiếp cận "các vật dụng và công nghệ nước ngoài" để phát triển hơn nữa chương trình tên lửa của mình.

Triều Tiên đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này.

Bình Nhưỡng đã không tiến hành bất kỳ vụ thử ICBM hay hạt nhân nào kể từ năm 2017, mặc dù nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đôi lần ám chỉ rằng ông có thể làm như vậy.

Triều Tiên đã đưa ra lệnh cấm thử tên lửa đạn đạo tầm xa và thử hạt nhân sau cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump. Nhưng vào năm 2020, ông Kim tuyên bố ông không còn bị ràng buộc bởi lời hứa này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang