Mỹ bác đề xuất của Ukraine về thiết lập vùng cấm bay đối với Nga

Thứ Ba, 01/03/2022 16:03

|

(CAO) Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết việc thiết lập vùng cấm bay sẽ là bước tiến tới việc đưa quân đội Mỹ chống lại Nga, có khả năng gây ra cuộc xung đột trực tiếp và chiến tranh với Nga.

Ngày 28/2, Nhà Trắng đã bác đề xuất của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc thiết lập vùng cấm bay đối với các chuyến bay của Nga trên không phận Ukraine, đồng thời cho rằng việc Mỹ tham gia động thái như vậy tương đương với một cuộc xung đột trực tiếp với Moksva - điều mà Washington không mong muốn.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết việc thiết lập vùng cấm bay sẽ là bước tiến tới việc đưa quân đội Mỹ chống lại Nga, “có khả năng gây ra cuộc xung đột trực tiếp và có khả năng là một cuộc chiến tranh với Nga.”

Đây là điều mà Mỹ không dự định làm. Bà Psaki cũng nêu rõ Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rất rõ ràng rằng “ông không có ý định gửi quân tới tham chiến trong cuộc chiến với Nga.”

 Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi được hỏi về việc thiết lập vùng cấm bay đối với các chuyến bay của Nga trên không phận Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng nêu rõ phương án này không được tính tới, đồng thời nhấn mạnh nhiều hãng hàng không của Mỹ vẫn phải bay qua Nga để tới châu Á.

Trong khi đó, cùng ngày, đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Vassily Nebenzia tuyên bố Moskva coi việc Ukraine tiếp cận NATO là "lằn ranh đỏ," tuy nhiên Washington đã không đề cập tới vấn đề này cùng nhiều vấn đề khác.

Ông Nebenzia nêu rõ: "Việc Ukraine gia nhập NATO đối với chúng tôi là giới hạn đỏ... Việc có cơ sở hạ tầng của NATO ở quốc gia này sẽ buộc chúng tôi phải triển khai các biện pháp đáp trả tương tự.”

Chính vì vậy, Moskva đã đề nghị Mỹ và NATO ký các thỏa thuận cung cấp bảo đảm an ninh cho Nga, song điều này đã bị từ chối.

Quân đội Nga đã vào thành phố Kherson của Ukraine

Theo hãng tin AFP, quân đội Nga ngày 1/3 đã tiến vào Kherson - thành phố miền Nam của Ukraine, gần với bán đảo Crimea và đang thiết lập các trạm kiểm tra tại khu vực ngoại ô thành phố.

Thị trưởng thành phố Kherson, ông Igor Kolykhayev đã công bố thông tin này trên tài khoản cá nhân Facebook, đồng thời kêu gọi người dân không rời nhà trong thời gian thực hiện lệnh giới nghiêm.

Những hình ảnh do truyền thông địa phương công bố cũng cho thấy quân đội Nga đang tiến vào thành phố.

Hôm 27/2, Nga tuyên bố đã bao vây thành phố này. Ngoài ra, Moskva cho biết quân đội Nga đã kiểm soát thành phố cảng Berdyansk, nơi nằm về phía Tây Bắc của Crimea trên Biển Azov.

 Binh sỹ Nga di chuyển hướng về Ukraine trên tuyến đường gần Armiansk, bán đảo Crimea, ngày 26/2/2022. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)

Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao cho biết trong ngày 1/3, toàn bộ nhân viên của phái bộ giám sát đặc biệt thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ rời thành phố Donetsk hiện do lực lượng đòi độc lập kiểm soát.

Nhiệm vụ của phái bộ OSCE này là giám sát và báo cáo các vi phạm thỏa thuận ngừng bắn giữa Kiev và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine.

Cùng ngày, Thứ trưởng Nội vụ Ba Lan Maciej Wasik cho biết khoảng 350.000 người đã từ Ukraine tới nước này kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine.

Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Ba Lan Piotr Muller thông báo Thủ tướng nước này, Mateusz Morawiecki, sẽ thảo luận việc ủng hộ Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels (Bỉ) trong ngày 1/3.

Nga cảnh báo về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine

Bộ Ngoại giao Nga ngày 1/3 cảnh báo những nước cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ phải chịu trách nhiệm nếu những vũ khí này được sử dụng trong quá trình Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây.

Bên cạnh đó, Bộ ngoại giao Nga khẳng định Moskva sẽ đáp trả các biện pháp mà Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện đối với Nga.

Cùng ngày, người phát ngôn chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết người dân ở thủ đô Kiev của Ukraine có thể rời thành phố.

Ông Konashenkov nêu rõ tất cả dân thường ở Kiev có thể tự do rời thành phố theo đường cao tốc Kiev-Vasilkov thông thoáng và an toàn.

Ông Konashenkov cũng khẳng định lại rằng các lực lượng vũ trang Nga chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự, không đe dọa dân thường.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới sau cuộc họp trực tuyến không chính thức với những người đứng đầu các bộ quốc phòng của các quốc gia thành viên EU, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell thông báo khối này dự định tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Theo ông, tất cả các quốc gia thành viên đều nhất trí tăng cường hỗ trợ quân sự trên cơ sở song phương cho Ukraine và thúc đẩy nỗ lực này với sự tài trợ của EU.

Bên cạnh đó, ông Borrell cũng cho biết Ukraine đã đề nghị cung cấp dữ liệu tình báo không gian và EU đang huy động trung tâm vệ tinh ở Madrid (Tây Ban Nha) đáp ứng đề nghị trên.

 Tiêm kích MiG-28. (Nguồn: AP)

Cũng trong ngày 28/2, Đức thông báo đang triển khai máy bay chiến đấu Tornado và máy bay tuần tra trên biển tới khu vực Biển Baltic.

Trước đó cùng ngày, Hải quân Đức cũng triển khai thêm 6 tàu chiến, trong đó 4 tàu tới Biển Baltic.

Ngoài ra, Chính phủ các nước Na Uy và Phần Lan cũng thông báo sẽ đưa thêm vũ khí tới Ukraine.

Quyết định trên đã đảo ngược chính sách của Na Uy từ những năm 1950 không cung cấp vũ khí cho các nước không thuộc thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang có chiến tranh hoặc có nguy cơ xung đột vũ trang.

Trong khi đó, Phần Lan dự định cung cấp 1.500 bệ phóng tên lửa, 2.500 súng trường, 150.000 băng đạn và 70.000 khẩu phần ăn tới Ukraine. Phần Lan là quốc gia thành viên EU nhưng không thuộc NATO, mặc dù có quy chế đối tác với liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu này.

Theo phóng viên Ottawa, Chính phủ Canada chuẩn bị gửi lô vũ khí sát thương thứ 3 tới Ukraine. Dự kiến, ngày 1/3, Ngoại trưởng Canada, bà Mélanie Joly sẽ đến Ba Lan để giám sát hoạt động này.

Ngày 27/2, Chính phủ Canada cam kết cung cấp thêm ít nhất 25 triệu CAD (19,59 triệu USD) viện trợ quân sự phi sát thương (gồm mũ bảo hiểm, áo giáp, mặt nạ phòng độc và thiết bị nhìn đêm) cho Ukraine. Hai tuần trước đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đồng ý cung cấp cho Ukraine thiết bị sát thương trị giá 7,8 triệu CAD.

Trong khi đó, Hungary tuyên bố sẽ không cho phép việc vận chuyển vũ khí qua lãnh thổ nước này. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nêu rõ Budapest sẽ không cho phép việc vận chuyển vũ khí gây chết người qua lãnh thổ nước này. Quyết định trên nhằm đảm bảo an toàn của người dân Hungary.

Bình luận (0)

Lên đầu trang