Theo các quan chức Ukraine, trước đó một ngày nhiều tiếng nổ lớn cũng đã vang lên.
Một căn cứ quân sự ở Brovary, thị trấn gần thủ đô Kiev, đã bị tên lửa hành trình tấn công, ít nhất 6 người thiệt mạng.
Hãng tin Reuters dẫn lời cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Anton Herashchenko cho biết các lực lượng Ukraine đã bắn rơi một máy bay, sau đó máy bay này đã lao xuống một tòa chung cư 9 tầng và bốc cháy.
Hiện chưa rõ máy bay có người lái hay không.
Một vụ nổ lớn ở căn cứ quân sự Vinnytsia, miền trung Ukraine trong ngày Nga tấn công nước này - Ảnh: Daily Mail
Theo Bộ trưởng Herashchenko, một loạt tiếng nổ trước đó là âm thanh của lực lượng phòng không bắn vào máy bay, đồng thời cho biết các vụ tấn công Kiev bằng tên lửa hành trình và đạn đạo vừa được nối lại.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo đã đẩy nhanh việc điều thêm binh sỹ nhằm củng cố thêm lực lượng ở sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Romania.
Phát biểu sau phiên họp khẩn cấp với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, Tổng thống Macron khẳng định đang đẩy nhanh việc triển khai quân.
Trong khi đó, Mỹ cũng thông báo đang triển khai thêm 7.000 binh sỹ tới Đức.
Tổng thống Nga Putin điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo thế giới
Ngày 24/2, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có các cuộc điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó thảo luận tình hình xung quanh vấn đề Ukraine.
Tân Hoa xã dẫn nguồn tin trên cho biết trong cuộc điện đàm theo sáng kiến của Pháp, Tổng thống Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã trao đổi quan điểm một cách nghiêm túc và thẳng thắn về những diễn biến ở Ukraine.
Tổng thống Putin đã nêu rõ nguyên nhân và hoàn cảnh dẫn đến việc ông quyết định tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt. Hai tổng thống cũng đã nhất trí duy trì liên lạc.
Tổng thống Putin
Trong khi đó, Điện Elysee cho biết Tổng thống Macron đã kêu gọi người đồng cấp Putin dừng những hoạt động quân sự của Nga.
Đây là sự liên lạc đầu tiên giữa Tổng thống Nga và một nhà lãnh đạo phương Tây kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Tổng thống Putin cũng thông báo về diễn biến tại Ukraine.
Về phần mình, ông Raisi thể hiện chia sẻ về những lo ngại an ninh của Nga do các hành động gây bất ổn của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổng thống Putin cũng có cuộc trao đổi ngắn với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về quan điểm của Nga trong vấn đề Ukraine, trong đó nhấn mạnh các Thỏa thuận hòa bình Minsk không được chính quyền Kyiv tôn trọng.
Trước đó, ngày 24/2, Tổng thống Nga Putin tuyên bố đáp lại yêu cầu của người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng (LPR), ông đã quyết định tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt tại ở đây.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moskva không có kế hoạch xâm chiếm các vùng lãnh thổ của Ukraine.
Làm rõ tình hình đang xảy ra, Bộ Quốc phòng Nga tái khẳng định quân đội Nga không nhằm mục tiêu vào các thành phố của Ukraine mà chỉ nhằm vô hiệu hóa hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh không có bất kỳ mối đe dọa nào đối với dân thường.
Trong một diễn biến liên, các nguồn tin ngoại giao tại Liên hợp quốc cho biết Mỹ và Albania, một ủy viên không thường trực, đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 25/2 bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết phản đối động thái của Moskva và yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.
Ukraine ban bố sắc lệnh tổng động viên
Ngày 24/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ban bố sắc lệnh tổng động viên, huy động toàn bộ lực lượng quân đội.
Theo sắc lệnh có hiệu lực trong 90 ngày này, lính nghĩa vụ và quân dự bị ở tất cả các khu vực ở nước này sẽ được huy động. Tổng thống Zelensky yêu cầu Bộ Tổng tham mưu ước tính có bao nhiêu quân nhân được huy động và theo thứ tự nào.
Một nguồn tin ngoại giao cùng ngày cho biết Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đã quyết định sơ tán toàn bộ nhân viên khỏi Ukraine ngay khi OSCE có thể triển khai việc này một cách an toàn.
Binh lính Ukraine
Trong khi đó, tại Ottawa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các thực thể của Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin thông báo triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass, miền Đông Ukraine.
Theo thông báo, Canada sẽ trừng phạt 58 cá nhân và thực thể Nga, trong đó có những người trong giới tinh hoa, các thành viên gia đình của họ, tổ chức bán quân sự Wagner Group, cũng như các ngân hàng lớn của nước này.
Ngoài ra, Canada cũng sẽ ngừng cấp giấy phép xuất khẩu sang Nga, đồng thời hủy bỏ các giấy phép hiện có. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly cho biết hàng trăm giấy phép với trị giá hàng hóa hơn 700 triệu CAD (547 triệu USD) sẽ bị hủy bỏ ngay lập tức.
Đây là "đòn giáng mạnh" vào các công ty Nga nhập khẩu hàng hóa có giá trị của Canada như linh kiện trong ngành hàng không vũ trụ, công nghệ và khoáng sản.
Đầu tuần này, Thủ tướng Trudeau đã công bố một loạt lệnh trừng phạt Nga, trong đó công dân Canada bị cấm mua trái phiếu của chính phủ Nga và giao dịch với hai ngân hàng của Nga.
(CAO) Hôm 25-2, CNN đưa tin quân đội Nga đã giành được quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở miền bắc Ukraine, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới 36 năm trước.