(CAO) Những tin đồn về việc Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử tên lửa mới hôm 21-5 đã trở thành sự thật. Đáng lo ngại hơn, quả tên lửa lần này sử dụng công nghệ có thể khiến nhiều nước phải lo sợ.
Hôm 22-5, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung để kiểm tra độ tin cậy của hệ thống dẫn đường cho tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra, vụ phóng thử còn nhằm kiểm tra khả năng hoạt động của động cơ sử dụng nhiên liệu rắn của tên lửa Pukguksong-2 để có thể triển khai trên chiến trường.
Hãng thông tấn quốc gia KCNA đưa tin cho biết chính lãnh tụ Kim Jong Un đã trực tiếp giám sát vụ thử. Hãng tin này trích lời người đứng đầu Triều Tiên như sau: “Lãnh tụ phát biểu với niềm tự hào rằng độ chính xác của quả tên lửa là rất cao và Pukguksong-2 là một vũ khí chiến lược thành công. Ngài đã chấp thuận để hệ thống vũ khí này được đưa vào sử dụng”.
Lãnh tụ Kim Jong Un vẫy tay chào các nhà khoa học và kỹ sư Triều Tiên đã chế tạo thành công quả tên lửa đạn đạo có tên Hwasong 12 - Ảnh: KCNA
Báo cáo từ quân đội Hàn Quốc cho biết quả tên lửa được phóng đi hôm 21-5 đã bay được quãng đường lên đến 500km, đạt độ cao 560km trước khi rớt xuống vùng biển nằm về phía đông Triều Tiên. KCNA tiếp tục trích dẫn: “Chứng kiến hình ảnh được gửi trực tiếp từ máy quay gắn trên quả tên lửa đạn đạo, lãnh tụ Kim Jong Un cảm thấy tuyệt vời khi được thấy Trái đất từ quả tên lửa mà chúng ta phóng đi và cả thế giới trông thật đẹp mắt”.
Hãng tin này cũng khẳng định thêm vụ thử thành công lần này tiếp nối thành công vụ thử hôm 14-5, được cho là đủ khả năng đưa hai bang Hawaii và Alaska của Mỹ vào tầm nhắm.
Thời gian qua, Triều Tiên liên tục phớt lờ những lời kêu gọi kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa, bất kể từ đồng minh thân cận Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định động cơ nhiên liệu rắn cùng bệ phóng di động sẽ gây khó cho việc định vị khu vực phóng. Ông David Wright, đồng giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu thuộc Liên minh các Nhà khoa học liên quan tại Mỹ cho biết: “Vì mục đích quân sự, tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn có lợi thế khi nhiên liệu được chứa sẵn bên trong và có thể được phóng đi rất nhanh sau khi được chuyển đến bệ phóng”.
Những vụ thử tên lửa của Triều Tiên gần đây đang làm dấy lên nhiều mối lo ngại - Ảnh: KCNA Ông cũng khẳng định việc chế tạo tên lửa nhiên liệu rắn loại lớn rất phức tạp. Các quốc gia siêu cường như Pháp hay Trung Quốc phải mất hàng thập kỷ để đi từ tên lửa đạn đạo tầm trung cho đến những tên lửa có khả năng đi xuyên lục địa.
“Điều này sẽ không thể xảy ra sớm. Nhưng Triều Tiên sẽ hoàn toàn làm được nếu có thời gian”, ông Wright khẳng định.
Trong diễn biến liên quan, một quan chức Nhà Trắng đi cùng tổng thống Mỹ Donald Trump đến Ả rập Saudi tiết lộ với Reuters rằng Mỹ đã biết tin về vụ thử mới nhất. Tuy nhiên, người này cũng nhấn mạnh rằng quả tên lửa mới này có quãng đường di chuyển ngắn hơn 3 vụ thử trước đó.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thì cho biết các lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao sẽ tiếp tục được áp đặt với Triều Tiên