Những vũ khí từng góp phần tạo nên vị trí 'huyền thoại' của Nga

Thứ Tư, 21/06/2017 01:16  | Huy Bân

|

(CAO) Không ai có thể phủ nhận vị trí cường quốc quân sự của Nga (hay Liên Xô cũ), trong quá khứ lẫn hiện tại Nga vẫn có những sản phẩm vũ khí tiêu biểu vượt trội.

Súng AK-47

AK-47 là súng trường tấn công uy lực, sử dụng loại đạn kích thước 7,62×39 mm. Tầm bắn hiệu quả của súng đạt 350 m nhưng nó có khả năng hạ gục mục tiêu ở khoảng cách trên dưới 1.000 m. Khẩu súng có nhiều chế độ bắn với tốc độ bắn liên thanh đạt 600 viên/phút. Đạn của súng AK-47 rời nòng với vận tốc 715 m/s.

Kalashnikov - "Cha đẻ" của súng AK-47

Một trong những ưu điểm của AK là trọng lượng nhẹ, có thể dễ dàng tháo rời và cách bắn đơn giản. Súng AK-47 có rất nhiều biến thể, bởi tính cơ động cao, gần như tất cả cuộc chiến hiện đại trên thế giới đều đã từng có sự hiện diện của súng AK-47 hoặc các biến thể của nó.

Tàu ngầm lớp Akula

Các tàu ngầm lớp Akula (NATO định danh Typhoon) là một trong những loại vũ khí đáng sợ nhất từng được chế tạo. Nguyên nhân của việc xuất hiện thứ vũ khí này là hướng tới mục đích răn đe hạt nhân của Liên Xô trong thời kỳ Chiến trang lạnh.

Hiện nay chỉ còn lại duy nhất chiếc Dmitriy Donskoy, thuộc tàu ngầm lớp Akula còn hoạt động

Mỗi tàu ngầm Akula mang theo tổng cộng 200 đầu đạn, nhiều hơn tàu ngầm lớp Ohio (đối thủ thời đó, do Mỹ sản xuất) 8 đầu đạn. Tàu ngầm lớp Akula dài 175m, lượng giãn nước khi lặn là 48.000 tấn. Ban đầu, Liên Xô dự định đóng 8 tàu lớp Akula nhưng cuối cùng, chỉ có 6 tàu được chế tạo. Hải quân Nga được thừa hưởng những chiếc tàu này sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và ngày nay chỉ còn lại duy nhất chiếc Dmitriy Donskoy còn hoạt động. 

Xe tăng T-55

Xe tăng T-55 vốn là loại được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử với tổng số khoảng 100.000 xe được xuất xưởng, bao gồm cả những chiếc sản xuất tại nước ngoài và cả các biến thể. Nếu xét về các đặc tính kỹ thuật thì nó được phát triển từ mẫu T-54. Cả hai cỗ máy này đã từng là trụ cột của quân đội Liên Xô từ cuối Chiến tranh thế giới lần thứ hai cho đến khi đưa mẫu xe tăng T-62 vào vận hành.

Thời điểm hiện tại, xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55 vẫn là xương sống của lực lượng tăng thiết giáp Quân đội Nhân dân Việt Nam

Thời điểm hiện tại, xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55 vẫn là xương sống của lực lượng tăng thiết giáp Quân đội Nhân dân Việt Nam. Với trang bị dàn vũ khí gồm pháo nòng xoắn D-10T2S cỡ 100 mm, súng máy đồng trục PKT cỡ 7,62 mm và súng máy hạng nặng DShK 12,7 mm bố trí trên nóc tháp pháo.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160

Máy bay ném bom hạng nặng siêu thanh Tupolev Tu-160 Beliy Lebed (hay Tu-160, được NATO định danh là Blackjack) với thiết kế cánh cụp cánh xòe đặc biệt, được Cục thiết kế Tupolev chịu trách nhiệm sản xuất vào những năm 1970. Vốn được mệnh danh là "Thiên nga trắng", Tu-160 là máy bay ném bom chiến lược cuối cùng do Liên Xô chế tạo.

Do thiết kế cánh đặc biệt nên Tu-160 có khả năng cơ động rất cao

Ngày nay, Không quân Chiến lược Nga đang được trang bị 16 chiếc Tu-160, trong đó 12 chiếc trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, 4 chiếc dành cho huấn luyện. Phi đội Tu-160 đã trải qua quá trình nâng cấp hiện đại hóa hệ thống điện tử từ đầu những năm 2000, phiên bản nâng cấp Tu-160M ra mắt năm 2014.

Lựu pháo M-30

Từ năm 1930, Quân đội Liên Xô đã bắt đầu phát triển một mẫu pháo tiêu chuẩn cấp sư đoàn mới để thay thế cho các dòng pháo 122mm lỗi thời như M1909 và M1910. Điều khá bất ngờ là đề án phát triển các tiền thân của M-30 còn có sự tham gia của các kỹ sư Đức hợp tác với phòng thiết kế KB-2 của Liên Xô, được đưa vào sản xuất hàng loạt vào đầu những năm 1940.

Lựu pháo M-30 dễ sản xuất, giá thành rẻ nên từng rất được ưa chuộng

Lựu pháo M-30 được sử dụng cho nhiệm vụ chi viện hỏa lực, tiêu diệt bộ binh, nó cũng có khả năng hạn chế trong việc chống lại xe thiết giáp bọc giáp mỏng. Pháo có chiều dài tổng thể 5,9 mét, nòng pháo dài 2,8 mét cả khóa nòng, rộng 1,98 mét, cao 1,82 mét, trọng lượng chiến đấu 2.450kg, ê kíp vận hành 3 người.

Bình luận (0)

Lên đầu trang