(CATP) Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đang kêu gọi các quốc gia thay đổi ưu tiên về vấn đề lương thực (LT) của họ và nhấn mạnh thế giới cần các hệ thống LT bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại 1 hội nghị thượng đỉnh của LHQ ở New York hôm thứ năm, 24-9-2021 (giờ địa phương), Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tuyên bố: "Cuộc chiến trên hành tinh của chúng ta phải chấm dứt và các hệ thống LT có thể giúp chúng ta xây dựng nền hòa bình đó”.
Theo ông, các hệ thống LT "có thể và phải đóng vai trò hàng đầu" trong việc đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, gồm kết thúc đói nghèo, bảo vệ hệ sinh thái và đảm bảo các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, hạn chế lãng phí. Hưởng ứng lời kêu gọi của ông Guterres, Mỹ thông báo sẽ đầu tư hơn 10 tỷ đôla trong vài năm để thúc đẩy chuyển đổi hệ thống LT.
Nhà ngoại giao hàng đầu thế giới cho rằng, cộng đồng quốc tế "đang tiến hành cuộc chiến chống lại thiên nhiên - và đang gặt phải trái đắng, khi mùa màng bị hủy hoại, thu nhập giảm và các hệ thống LT thất bại". Ông Guterres nói thêm rằng, thế giới cần phải đẩy mạnh các hệ thống LT và dinh dưỡng khẩn cấp ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột hay tình trạng khẩn cấp về khí hậu đồng thời đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm nạn đói.
Theo Tổng thư ký LHQ, thế giới hiện có 3 tỷ người không có chế độ ăn uống lành mạnh, 2 tỷ người thừa cân béo phì và 462 triệu người thiếu dinh dưỡng. Ông nhắc nhở các đại biểu rằng gần 1/3 tổng số LT được sản xuất bị thất thoát hoặc lãng phí và nhấn mạnh việc thay đổi các hệ thống LT có thể thúc đẩy sự phục hồi sau đại dịch. Ông kêu gọi các chính phủ và doanh nghiệp cùng hợp tác để tăng cường khả năng tiếp cận với chế độ ăn uống lành mạnh.
Lời kêu gọi khẩn thiết của Tổng thư ký LHQ đưa ra khi loài người đang mắc nợ thiên nhiên, lúc các nguồn dự trữ nước, đất và không khí sạch đã bị khai thác đến cạn kiệt, trong khi không có hành tinh khác nào để vay mượn.
Một trong những điểm áp lực lớn nhất đẩy hành tinh tới giới hạn là hệ thống LT. Đây là cách con người trồng cấy, sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm. Khi các hệ thống này đang hoạt động, chúng sẽ góp phần tiêu cực vào biến đổi khí hậu và nạn phá rừng, chúng đang làm tổn hại đến dự trữ nước ngọt và làm giảm nhanh chóng đa dạng sinh học.
Hệ thống thực phẩm hiện nay phải được chuyển đổi để sản xuất LT giàu dinh dưỡng hơn với tác động môi trường thấp hơn. Để làm được điều này, có 5 giải pháp được đề xuất:
Xử lý khí thải từ động vật: Sau lĩnh vực năng lượng và giao thông, hệ thống thực phẩm là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm 1/3 tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chăn nuôi lấy thịt và các sản phẩm từ sữa chiếm 14,5%, phần lớn là do động vật thải khí mêtan.
Phục hồi thực phẩm bị lãng quên: Chỉ 12 loại cây trồng và 5 loài động vật đã cung cấp 75% LT cho thế giới. Ước tính khoảng 940 loài thực vật từng được trồng đang có nguy cơ biến mất. Tuy nhiên, có nhiều loại cây LT bị lãng quên có thể được sản xuất bền vững, khả năng chống chọi được với biến đổi khí hậu và chứa đầy dinh dưỡng...
Canh tác chính xác: Nitơ, phốtpho, kali là những dưỡng chất cần thiết giúp cây LT phát triển mạnh mẽ, nhưng điều đáng lo là lượng phân bón này đang bị lạm dụng quá ngưỡng khiến môi trường không còn an toàn.
Theo dõi nạn phá rừng từ không trung: Từ giữa năm 2000 và 2010, nông nghiệp là nguyên nhân của 80% nạn phá rừng toàn cầu. Nhưng bản đồ mới của Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế giờ có thể theo dõi các hoạt động phá hoại, bằng cách kết nối bản đồ với công cụ "Borneo Atlas", sử dụng thường xuyên hình ảnh vệ tinh được cập nhật để phát hiện các khu vực rừng bị tàn phá và bất kỳ sự mở rộng nào của số đồn điền hiện có.
Tái chế nước thải: Khoảng 84% nguồn nước ngọt toàn cầu được sử dụng cho nông nghiệp. Tới năm 2030 dự kiến chỉ riêng nhu cầu nước cho nông nghiệp sẽ vượt xa nguồn cung sẵn có, thậm chí trước khi nhu cầu nước sinh hoạt được đáp ứng. Tuy nhiên, trên một nửa lượng nước ngọt toàn cầu giờ đã thành nước thải không thể sử dụng được.
Phạm Hồng (theo AFP, The conversation)