Căng thẳng gia tăng khi Mỹ và đồng minh can dự sâu vào Ấn Độ - Thái Bình Dương

Thứ Sáu, 24/09/2021 12:26

|

(CATP) Một thỏa thuận mới cung cấp tàu ngầm hạt nhân của Australia và việc châu Âu khởi động chiến lược can dự lớn hơn vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (AĐ - TBD), Mỹ cùng các đồng minh giờ đang trở nên quyết đoán hơn trong cách tiếp cận đối với một Trung Quốc (TQ) đang trỗi dậy.

Căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh - Washington cũng khiến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Gutterres cuối tuần qua phải khẩn cầu Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình thay đổi mối quan hệ "hoàn toàn tê liệt" của họ, cảnh báo về nguy cơ chia rẽ thế giới.

Khi Đại hội đồng LHQ khai mạc hôm thứ ba, cả hai vị lãnh đạo đều chọn ngôn từ êm dịu, với ông Biden khẳng định: "Chúng tôi không tìm kiếm cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay một thế giới chia rẽ thành các khối cứng rắn", còn ông Tập phát biểu trên diễn đàn rằng: "Trung Quốc không bao giờ và sẽ không bao giờ xâm lược hay bắt nạt các nước khác hoặc tìm kiếm quyền bá chủ”.

Tuy nhiên, trên thực tế các vấn đề cơ bản vẫn không thay đổi. Trung Quốc tiếp tục xây dựng các tiền đồn quân sự khi họ áp đặt yêu sách hàng hải của mình trên các tuyến đường biển quan trọng.

Trong khi đó, Mỹ và đồng minh ngày càng ủng hộ Đài Loan, nơi TQ coi là một phần lãnh thổ của mình và hợp tác quân sự sâu rộng ở khu vực AĐ - TBD. Vào thứ sáu, 24-9-2021, ông Biden sẽ chủ trì Đối thoại An ninh Bộ Tứ với các lãnh đạo Nhật Bản, Ấn Độ, Australia tại Washington. Nhà Trắng cho biết, nội dung bàn về nhiều vấn đề, gồm cả đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, nhưng cũng tìm phương cách để giữ cho AĐ - TBD, khu vực rộng lớn trải dài từ Ấn Độ tới Australia "tự do và mở cửa".

Tàu chiến của Anh, Nhật và Canada tập trận ở Ấn Độ Dương tháng 9-2021 Ảnh: AP

Theo truyền thông Nhật Bản, tại cuộc gặp, các lãnh đạo Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ dự kiến sẽ phát tín hiệu phản đối âm mưu của TQ nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Dự thảo có đoạn nhấn mạnh các thành viên Bộ Tứ "phản đối những thách thức đối với trật tự dựa trên quy tắc hàng hải", đặc biệt ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Cuộc gặp hôm thứ sáu sẽ là hội nghị thượng đỉnh trực diện đầu tiên của Bộ Tứ, mà theo chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, qua đó sẽ góp phần làm sâu sắc thêm các mối quan hệ, thúc đẩy hợp tác về công nghệ mới và không gian mạng.

Cuộc đối thoại diễn ra 1 tuần sau công bố gây ồn ào rằng Australia sẽ từ bỏ hợp đồng về tàu ngầm thông thường với Pháp theo đề nghị của Anh - Mỹ để chuyển sang tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tin "nóng" làm lu mờ việc công bố chiến lược đẩy mạnh các mối quan hệ chính trị và quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU) ở AĐ - TBD.

Chính sách của EU nhấn mạnh việc cần thiết phải đối thoại với Bắc Kinh, khuyến khích "Trung Quốc đóng vai trò của mình trong một khu vực AĐ - TBD hòa bình, thịnh vượng", đồng thời đề xuất "tăng cường hiện diện hải quân" và mở rộng hợp tác an ninh với các đối tác khu vực. Qua đó cũng lưu ý việc TQ tăng cường hiện diện quân sự và "việc phô trương vũ lực lẫn gia tăng căng thẳng ở các điểm nóng khu vực như Biển Đông, Biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan có thể tác động trực tiếp đến an ninh cùng sự thịnh vượng của châu Âu".

Đức, quốc gia có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với TQ, tuần trước đã lên tiếng khi Bắc Kinh từ chối yêu cầu ghé cảng đối với tàu khu trục nhỏ Bavaria, hiện đang tiến hành các cuộc thao diễn ở AĐ - TBD. Các quốc gia EU khác, đáng chú ý nhất là Pháp, cũng điều tàu hải quân tới tham gia diễn tập trong khu vực, còn Anh đưa cả nhóm tác chiến tàu sân bay tới tiến hành các cuộc tập trận trong nhiều tháng, khi London theo đuổi hướng đi mới đối với khu vực như khuyến nghị xem xét lại chính sách quốc phòng và đối ngoại gần đây của Chính phủ Anh.

Sau khi khước từ cho tàu Bavaria cập cảng, Bộ Ngoại giao TQ tuyên bố họ vẫn "sẵn sàng thực hiện các hoạt động trao đổi hữu nghị với Đức trên cơ sở tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau", nhưng đồng thời cũng nói rõ họ không hài lòng với sự hiện diện hải quân gia tăng trong khu vực. Đối với thỏa thuận tàu ngầm của Australia, Bắc Kinh gọi đó là hành động "rất vô trách nhiệm" và nhấn mạnh nó sẽ "gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình, sự ổn định khu vực".

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang