(CAO) Hôm 23-5, CNN đưa tin Tổng thống Mỹ - Joe Biden lần đầu tiên nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào hôm 22-5 (giờ Mỹ) sau khi một cuộc khủng hoảng ngoại giao bùng nổ giữa hai đồng minh lâu năm về thỏa thuận trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc.
Cuộc gọi kéo dài 30 phút, sau đó một tuyên bố chung giữa Mỹ và Pháp cho biết Macron và Biden "nhất trí rằng tình hình sẽ có lợi từ các cuộc tham vấn cởi mở giữa các đồng minh về những vấn đề có lợi ích chiến lược đối với Pháp và các đối tác Châu Âu của chúng ta".
"Tổng thống Biden đã truyền đạt cam kết liên tục của mình về vấn đề đó" - tuyên bố cho biết.
Trong cuộc gọi của họ, Biden và Macron đã đồng ý gặp mặt trực tiếp vào cuối tháng tới tại châu Âu. Biden đã lên kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 ở Rome vào cuối tháng 10 và một quan chức cho biết giả định là cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra ở đó.
Biden và Macron trong một lần gặp - Ảnh: CNN
"Hai nhà lãnh đạo đã quyết định mở ra quá trình tham vấn sâu, nhằm tạo điều kiện đảm bảo lòng tin và đề xuất các biện pháp cụ thể hướng tới các mục tiêu chung" - thông cáo viết.
Macron cũng đồng ý đưa đại sứ của mình ở Washington trở lại sau khi triệu hồi ông để tham vấn ở Paris. Và Biden đã lên tiếng ủng hộ "tầm quan trọng của một nền quốc phòng châu Âu mạnh mẽ hơn và có khả năng hơn", một ưu tiên lâu nay của Macron.
Cuộc điện đàm được cho là sẽ căng thẳng, mặc dù Nhà Trắng sau đó cho biết giọng điệu giữa hai nhà lãnh đạo là "thân thiện". Thư ký báo chí Jen Psaki cho biết điều quan trọng là Biden phải trực tiếp truyền đạt niềm tin rằng "có thể có nhiều cuộc thảo luận hơn" trước thông báo về tàu ngầm.
Macron hầu như từ chối bình luận công khai về tranh chấp. Nhưng các quan chức khác trong chính phủ của ông đã không tiếc lời mô tả việc bị sốc và giận dữ của Pháp trước thỏa thuận tàu ngầm, điều này đã tước bỏ hợp đồng lớn của Pháp và khiến Paris cảm thấy bị cho ra rìa.
Bản thân Biden đã bỏ qua tất cả các câu hỏi về tranh chấp với Pháp kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra vào cuối tuần trước, nhưng các quan chức cho biết ông rất ngạc nhiên trước phản ứng quá lớn từ Paris và muốn giải quyết mọi việc với người đồng cấp, nhằm mục đích hạ nhiệt.
Psaki cho biết Nhà Trắng sẽ xem xét để xác định xem sự cố xảy ra như thế nào, nhưng tránh nói rằng Biden đổ lỗi cho bất kỳ cá nhân nào về những gì đã xảy ra. "Ông ấy tự chịu trách nhiệm" - bà nói.