(CAO) Hôm 14-4, Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden lên kế hoạch rút 2.500 binh lính Mỹ còn lại khỏi Afghanistan trước ngày 11-9 năm nay, 20 năm kể từ ngày quân Mỹ hiện diện ở nước này sau vụ tấn công khủng bố 11-9.
Việc tiết lộ kế hoạch được đưa ra cùng ngày khi cộng đồng tình báo Mỹ nhận định về một triển vọng ảm đạm về Afghanistan, dự báo khả năng "thấp" của một thỏa thuận hòa bình trong năm nay có thể đạt được và cảnh báo rằng chính quyền Kabul sẽ phải vật lộn để kìm hãm lực lượng Taliban trỗi dậy nếu liên quân do Mỹ dẫn đầu ở nơi này rút lui.
Quyết định của Biden sẽ bỏ lỡ thời hạn rút quân vào ngày 1-5 mà người tiền nhiệm Donald Trump đã đồng ý với Taliban. Taliban đã đe dọa sẽ tiếp tục các cuộc chiến chống lại quân đội nước ngoài nếu thời hạn rút quân này bị trễ. Nhưng Biden vẫn sẽ ấn định ngày rút quân trong thời gian ngắn, có khả năng làm giảm bớt lo ngại của Taliban.
Tổng thống đảng Dân chủ sẽ thông báo công khai quyết định của mình vào ngày 14-4, Nhà Trắng cho biết. Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết việc rút quân dần sẽ bắt đầu trước ngày 1-5 và có thể hoàn thành tốt trước thời hạn ngày 11-9.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự kiến sẽ thảo luận về quyết định này với các đồng minh NATO tại Brussels.
Biden lên kế hoạch rút hoàn toàn quân Mỹ khỏi Afghanistan trước hạn 11-9-2021 - Ảnh: Reuters
Quyết định của Biden cho thấy ông đã kết luận rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ sẽ không còn mang tính quyết định trong việc đạt được hòa bình lâu dài ở Afghanistan, một giả định cốt lõi của Lầu Năm Góc từ lâu đã củng cố cho việc triển khai quân đội Mỹ ở đó.
“Không có giải pháp quân sự nào cho các vấn đề đang xảy ra ở Afghanistan, và chúng tôi sẽ tập trung nỗ lực vào việc hỗ trợ tiến trình hòa bình đang diễn ra” - quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ cho biết.
Báo cáo tình báo của Mỹ được gửi đến Quốc hội nêu rõ: "Kabul tiếp tục đối mặt với những thất bại trên chiến trường và Taliban tự tin rằng họ có thể đạt được chiến thắng quân sự".
Vẫn chưa rõ động thái của Biden sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 10 ngày đã được lên kế hoạch bắt đầu từ ngày 24-4 về Afghanistan ở Istanbul, dự kiến bao gồm sự tham dự của phái đoàn Liên hợp quốc và Qatar.
Taliban cho biết họ sẽ không tham gia bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào đưa ra quyết định về Afghanistan cho đến khi tất cả các lực lượng nước ngoài rời khỏi đất nước.
Thời hạn ngày 1-5 đã bắt đầu ít được nhắc đến trong những tuần gần đây do thiếu sự chuẩn bị trên thực tế để đảm bảo nó có thể được thực hiện một cách an toàn và có trách nhiệm.
Các quan chức Mỹ cũng đổ lỗi cho Taliban vì đã không tuân thủ các cam kết giảm bạo lực và một số người đã cảnh báo về mối liên hệ dai dẳng của Taliban với al Qaeda. Chính những mối quan hệ đó đã dẫn đến sự can thiệp quân sự của Mỹ vào năm 2001 sau cuộc tấn công ngày 11-9 của al Qaeda, khi những tên không tặc lao máy bay vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York và Lầu Năm Góc giết chết gần 3.000 người.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cáo buộc Biden có kế hoạch “quay đầu và bỏ cuộc ở Afghanistan”.
McConnell chỉ trích: “Việc rút các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan một cách gấp rút là một sai lầm nghiêm trọng” đồng thời nói thêm rằng các hoạt động chống khủng bố hiệu quả đòi hỏi sự hiện diện và các lực lượng trên mặt đất.
Hiện có khoảng 2.500 lính Mỹ ở Afghanistan, giảm so với mức cao nhất là hơn 100.000 vào năm 2011. Khoảng 2.400 lính Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc xung đột Afghanistan và hàng nghìn người khác bị thương.