Các điểm chính trong báo cáo về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Thứ Sáu, 19/04/2019 09:56  | Anh Duy

|

​(CAO) Sau nhiều ngày chờ đợi, bảng báo cáo dài 400 trang về cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã được công bố vào ngày 18-4.

Báo cáo này tập trung vào 2 nghi vấn: Một là có bất cứ thành viên nào trong chiến dịch tranh cử của Trump cấu kết với Nga để ông được bầu hay không. Hai là tổng thống có dùng quyền lực của mình để cản trở thực thi công lý hay không.

AFP đã điểm qua các điểm chính trong bảng báo cáo vừa được công bố này:

  • Nga can thiệp bầu cử

Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử bằng các chiến dịch “càn quét” có hệ thống. Đầu tiên, một thực thể tại Nga đã thực hiện một chiến dịch truyền thông xã hội kêu gọi ủng hộ ứng viên Donald Trump và từ chối bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton.

Sau đó một tổ chức ở Nga đã tiến hành xâm nhập hệ thống máy tính phục vụ cho bầu cử, của nhân viên và các tình nguyện viên làm việc trong chiến dịch tranh cử bà Clinton và sau đó công bố các tài liệu bị lấy cắp trong chiến dịch của bà.

Trump (trái) và công tố viên đặc biệt Mueller - Ảnh: Time
  • Âm mưu

Báo cáo cho biết có rất nhiều liên hệ giữa các thành viên thân cận của Trump với Nga và rằng chiến dịch "dự kiến ​​sẽ có lợi cho bầu cử từ thông tin bị đánh cắp và tiết lộ thông qua các nỗ lực phát tán tài liệu của Nga”.

Nhưng báo cáo cho rằng những âm mưu này không tới mức bị truy tố hình sự.

"Các liên hệ của Nga bao gồm các kết nối kinh doanh, đề nghị hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử của Trump, lời mời mà Moscow đưa ra cho ứng cử viên Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin được gặp gỡ trực tiếp, mời các quan chức chiến dịch và đại diện của chính phủ Nga gặp gỡ và gợi ý các vị trí chính sách nhằm cải thiện mối quan hệ Nga-Mỹ.

Báo cáo nêu rõ: "Trong khi cuộc điều tra xác định nhiều mối liên hệ giữa các cá nhân có mối quan hệ với chính phủ Nga và các cá nhân có liên quan đến chiến dịch Trump, bằng chứng không đủ để hỗ trợ cho các cáo buộc hình sự”.

Báo cáo kết luận: "Cuộc điều tra không xác định rằng các thành viên trong chiến dịch của Trump đã âm mưu hoặc phối hợp với chính phủ Nga trong các hoạt động can thiệp bầu cử."

Bảng báo cáo của Mueller về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ- Ảnh: AP
  • Vấn đề cản trở công lý

Báo cáo cho biết đã điều tra nhiều hành động của Trump và “đặt ra nghi vấn về việc liệu ông có cản trở công lý hay không".

Chúng bao gồm "các cuộc tấn công công khai vào cuộc điều tra, các nỗ lực được thiết lập để kiểm soát nó và các nỗ lực ở cả công cộng và tư nhân để khuyến khích các nhân chứng không hợp tác với cuộc điều tra.

Báo cáo nhận định: "Những nỗ lực của tổng thống nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc điều tra hầu hết đều không thành công, nhưng điều đó phần lớn là do những người quanh tổng thống đã từ chối thực hiện mệnh lệnh hoặc đồng ý làm theo yêu cầu của ông”.

"Bởi vì chúng tôi quyết định không đưa ra phán quyết truy tố tổng thống, chúng tôi đã không đưa ra kết luận cuối cùng về hành vi của tổng thống. Đồng thời, nếu chúng tôi có niềm tin rằng sau khi điều tra kỹ lưỡng về sự thật rằng tổng thống rõ ràng không phạm tội cản trở công lý, chúng tôi sẽ tuyên bố như vậy”.

Báo cáo ghi tiếp: "Tuy nhiên, dựa trên các sự kiện và các tiêu chuẩn pháp lý hiện hành, chúng tôi không thể đưa ra phán quyết đó. Theo đó, trong khi báo cáo này không kết luận rằng tổng thống đã phạm tội, nó cũng không miễn tội cho ông".

  • Nỗ lực loại bỏ công tố viên đặc biệt

Báo cáo nêu chi tiết về nỗ lực của Trump nhằm loại bỏ công tố viên đặc biệt Mueller khỏi cuộc điều tra.

Báo cáo ghi: “Vào ngày 17- 6-2017, tổng thống đã cho gọi luật sư Nhà Trắng Don McGahn lại nhà và chỉ đạo ông gọi cho tổng chưởng lý, nói rằng công tố viên đặc biệt gây mâu thuẫn về lợi ích và phải được loại bỏ.

Tuy nhiên, McGahn đã không thực hiện theo chỉ đạo, cho biết thà từ chức thay vì thực hiện theo.

  • Vai trò của Quốc hội

Báo cáo nêu rõ: Trong khi từ chối truy tố Trump vì tội cản trở công lý, công tố viên đặc biệt cho rằng một nỗ lực như vậy có thể được để lại cho Quốc hội Mỹ “xử lý”.

Báo cáo nhấn mạnh: Theo tiền lệ của Tòa án Tối cao hiện hành, Hiến pháp không phân loại và vĩnh viễn miễn trừ truy tố cho một Tổng thống vì hành vi cản trở công lý. Học thuyết phân chia quyền hạn ủy quyền cho Quốc hội bảo vệ các thủ tục tố tụng chính thức, bao gồm cả các tòa án và các hội thẩm đoàn, khỏi các hành vi tham nhũng, cản trở bất kể nguồn gốc (chức vụ) của họ.

Báo cáo kết luận rằng: Quốc hội có thể áp dụng luật ngăn hành vi cản trở cho việc thực thi công lý của tổng thống, kiểm tra và cân bằng việc thực thi các quy định của hiến pháp và đảm bảo nguyên tắc rằng không có ai có thể đứng trên pháp luật.

Như vậy bảng báo cáo của Mueller đã được công bố đầy đủ sau áp lực của đảng Dân chủ rằng vì sao chính quyền chỉ mới cho công bố bảng tóm tắt 4 trang. Dù không truy tố Trump, nhưng báo cáo cho thấy ông chủ Nhà Trắng đã sợ hãi trước cuộc điều tra và nhiều lần công kích, thậm chí muốn thay Mueller nhưng bất thành.

“Quả bóng” nay được đẩy sang Quốc hội Mỹ nếu muốn tiếp tục theo đuổi vụ việc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang