(CAO) Sáng nay 24-11, Reuters đưa tin những người dân Hong Kong đã đến các địa điểm bỏ phiếu từ sớm, xếp hàng chờ đến lượt trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương cấp quận.
Đây là cuộc bầu cử quan trọng với sự tham gia của nhiều ứng cử viên ủng hộ dân chủ cũng như ứng cử viên có xu hướng ủng hộ Bắc Kinh. Kết quả bỏ phiếu vì thế sẽ phản ánh “lòng dân” nghiêng về bên nào. Truyền thông gọi đây là một cuộc trưng cầu dân ý thông qua bầu cử.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau hơn 1 tuần đối đầu dữ dội giữa lực lượng cảnh sát và sinh viên biểu tình tại khuôn viên trường Đại học Bách khoa Hong Kong. Đến nay vẫn còn một số người biểu tình cố thủ bên trong.
Cuộc bỏ phiếu bắt đầu từ lúc 7h30 (giờ địa phương). Các nhân chứng của Reuters cho biết chỉ có một lượng nhỏ cảnh sát hiện diện tại các điểm bỏ phiếu, trái với các báo cáo trước đó rằng cảnh sát chống bạo động sẽ tiến hành bảo vệ tất cả các địa điểm bỏ phiếu.
Thủ lĩnh sinh viên Hoàng Chi Phong (đeo kiếng) xếp hàng bỏ phiếu vào sáng 24-11 - Ảnh: Reuters
Kevin Lai, một nhân viên IT 45 tuổi đến xếp hàng bên ngoài trường tiểu học Wong Tai Sin ở đảo Cửu Long. Anh đến sớm vì cho biết mình sợ sẽ không bỏ phiếu được nếu đến trễ với nguy cơ đụng độ giữa các lực lượng.
“Một số người sợ cuộc bầu cử sẽ bị dừng lại vì những lý do bất ngờ” – anh nói. Tôi sẽ cho thấy chúng tôi đứng về phía Hong Kong. Hầu hết những người ở hội đồng địa phương lại đứng về phía chính quyền, không giúp cho Hong Kong”.
Trần, 31 tuổi đến từ khu vực Yuen Long, vùng nông thôn gần biên giới Trung Quốc cho biết cô đến sớm để bỏ phiếu cũng vì sợ đụng độ có thể xảy ra sau đó. “Tôi chưa thấy một cuộc bầu cử nào như vậy từ trước đến nay, nhưng vì tình hình hiện tại, đây là một cuộc bỏ phiếu thật sự quan trọng. Và tôi biết nhiều người cũng có cảm nhận như tôi”.
Cuộc bầu cử là đợt “chạy đua” của 1104 người ứng cử vào 452 ghế ở hội đồng cấp quận.
(CAO) Từ tuần trước kéo qua cho đến tuần này, hàng ngàn sinh viên đã tham gia lực lượng những người biểu tình, cố thủ trong khuôn viên trường Đại học Bách khoa Hong Kong, chiếm các khu học xá trong làn sóng biểu tình vì bế tắc chính trị ở đặc khu này.