(CAO) Hôm 15/2, BBC đưa tin Nhật Bản rơi vào suy thoái sau khi nền kinh tế nước này suy giảm 2 quý liên tiếp.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước giảm 0,4% so với dự kiến trong ba tháng cuối năm 2023, so với một năm trước đó. Trước đó, nền kinh tế Nhật đã suy giảm 3,3% trong quý trước.
Số liệu từ Văn phòng nội các Nhật Bản cũng cho thấy nước này đã mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức.
Các nhà kinh tế đã kỳ vọng dữ liệu mới cho thấy GDP của Nhật Bản tăng hơn 1% trong quý 4 năm ngoái. Những số liệu mới nhất là số liệu đầu tiên về tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong giai đoạn này và vẫn có thể được sửa đổi.
Vào tháng 10 năm ngoái, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng dự báo Đức có khả năng vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới khi tính bằng đô la Mỹ.
IMF sẽ chỉ tuyên bố thay đổi thứ hạng sau khi cả hai nước công bố phiên bản cuối cùng về số liệu tăng trưởng kinh tế của mình.
Kinh tế Nhật đang rơi vào suy thoái
Nhà kinh tế học Neil Newman nói với BBC rằng những số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Nhật Bản trị giá khoảng 4,2 nghìn tỷ USD vào năm 2023, trong khi của Đức là 4,4 nghìn tỷ USD.
Ông Newman cho biết thêm, điều này là do đồng tiền Nhật Bản yếu đi so với đồng đô la Mỹ và nếu đồng yen phục hồi, quốc gia này có thể lấy lại vị trí thứ ba.
Tại cuộc họp báo ở Tokyo vào tháng này, phó giám đốc IMF - Gita Gopinath cũng cho biết một nguyên nhân quan trọng khiến Nhật Bản có khả năng tụt hạng là do đồng yen giảm khoảng 9% so với đồng đô la Mỹ vào năm ngoái.
Tuy nhiên, sự suy yếu của đồng yen đã giúp đẩy giá cổ phiếu của một số công ty lớn nhất Nhật Bản vì nó khiến hàng xuất khẩu của nước này, chẳng hạn như ô tô, rẻ hơn ở thị trường nước ngoài.
Tuần này, chỉ số chứng khoán chính của Tokyo, Nikkei 225 lần đầu tiên vượt mốc 38.000 kể từ năm 1990, khi giá bất động sản sụt giảm gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Dữ liệu GDP mới nhất cũng có nghĩa là ngân hàng trung ương nước này có thể trì hoãn thêm quyết định tăng chi phí vay vốn được nhiều người mong đợi.
Ngân hàng Nhật Bản đã đưa ra lãi suất âm vào năm 2016 khi cố gắng thúc đẩy chi tiêu và đầu tư.
Lãi suất âm khiến đồng yen kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư toàn cầu, điều này đã đẩy giá trị đồng tiền này xuống.