(CAO) Khách du lịch ở Indonesia đang khám phá những lợi ích của rừng ngập mặn khi quần đảo này thúc đẩy trồng lại hoặc bảo tồn các khu vực rừng ven biển đã bị tàn phá bởi hoạt động của con người.
Connie Sihombing, một cư dân 50 tuổi ở Jakarta không còn phải nghe tiếng xe cộ hoặc máy bay bay phía trên khi cô chèo thuyền kayak qua vùng nước đục với mảng rừng ngập mặn ven bờ.
“Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng tôi không biết rằng gần nhà lại có công viên xinh đẹp và hấp dẫn này” - cô nói, đề cập đến một khu rừng ngập mặn được bảo vệ dọc theo bờ biển phía bắc của thủ đô.
Rừng ngập mặn ở Indonesia, một quốc gia có hơn 17.000 hòn đảo và hàng vạn dặm bờ biển, đã bị thu hẹp xuống còn khoảng 4,1 triệu ha do sự phát triển đô thị hoặc nuôi trồng hải sản thay thế hệ thống phòng thủ tự nhiên chống lại mực nước biển dâng cao và xâm nhập mặn.
Rừng ngập mặn ở Indonesia
Chỉ riêng năm ngoái, nước này đã mất 700.000 ha rừng ngập mặn, theo Cơ quan phục hồi rừng ngập mặn và than bùn của Indonesia (BRGM).
Indonesia hy vọng rằng bên cạnh những nỗ lực của nhà nước, 'du lịch sinh thái' liên quan đến việc mọi người khám phá, trồng và chăm sóc rừng sẽ giúp họ hiểu được tầm quan trọng của rừng với vai trò là nơi lưu trữ carbon và là điểm nóng đa dạng sinh học.
"Rất nhiều người dân và doanh nghiệp san bằng những khu rừng ngập mặn này rồi xây dựng một điểm du lịch bên trên bằng cách đổ cát để làm bãi biển nhân tạo. Điều đó đi ngược lại với việc bảo tồn thiên nhiên", Muhammad Saleh Alatas, chủ sở hữu của The Mangrove Paddling Centre, đơn vị tổ chức các tour du lịch trong rừng ngập mặn ở Jakarta cho biết.
Muhammad Ilman, Giám đốc Cơ quan bảo tồn thiên nhiên Nusantara cho biết, trong khi tài trợ của chính phủ đã tăng lên trong 5 năm qua, thì vẫn cần sự hỗ trợ từ các tổ chức tư nhân và các tổ chức phi chính phủ để khôi phục những mảng rừng ngập mặn bị xâm hại.