(CAO) Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 29-5 cảnh báo sẽ phá hủy bất kỳ tên lửa nào của CHDCND Triều Tiên rơi xuống lãnh thổ của họ sau khi Bình Nhưỡng thông báo về kế hoạch phóng một “vệ tinh” trong khoảng thời gian từ ngày 31/5 đến ngày 11/6.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp phá hủy đối với tên lửa đạn đạo và các tên lửa khác được xác nhận rơi xuống lãnh thổ của chúng tôi”.
Theo Cơ quan phát triển vũ trụ của Triều Tiên, họ sẽ hoàn thành việc chuẩn bị cho việc phóng vệ tinh do thám vào tháng 4/ 2023.
Một phát ngôn viên của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thông báo về vụ phóng của Bình Nhưỡng được gửi qua email; đồng thời cho biết Triều Tiên có kế hoạch phóng vệ tinh về phía Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và phía đông đảo Luzon, Philippines, ở một khu vực bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cũng cho hay hôm 29-5 rằng, bất kỳ vụ phóng tên lửa nào của Triều Tiên dù dưới dạng “vệ tinh” đều là “mối đe dọa” đối với an ninh quốc gia Nhật Bản.
Ông Matsuno nói với các phóng viên, nếu Triều Tiên thực hiện đúng kế hoạch phóng tên lửa, điều đó sẽ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là một "sự khiêu khích nghiêm trọng". Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã ban hành lệnh liên quan đến việc chuẩn bị các biện pháp phá hủy tên lửa đạn đạo.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một vụ phóng thử tên lửa (Ảnh: AFP)
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác, chẳng hạn như triển khai các khẩu đội phòng thủ tên lửa Patriot và tàu khu trục Aegis có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo tới vùng biển xung quanh quần đảo Nansei của Nhật Bản, một quần đảo trải dài từ mũi phía nam của đảo chính Kyushu của Nhật Bản về phía nam đến gần Đài Loan. Okinawa, nơi Mỹ duy trì các căn cứ quân sự quan trọng, là hòn đảo lớn nhất trong chuỗi.
Ông Matsuno nói thêm rằng, Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng tự kiềm chế.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chia sẻ với các phóng viên hôm 29-5, bất kỳ vụ phóng tên lửa nào của Triều Tiên, ngay cả khi được gọi là vệ tinh, đều là "vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến sự an toàn của công dân Nhật Bản", đồng thời nhắc lại việc ông sẵn sàng đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Tháng trước, ông Kim đã ra lệnh cho các quan chức chuẩn bị phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên của đất nước.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố, Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp hôm 29-5 sau thông báo của Triều Tiên về kế hoạch phóng vệ tinh.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng kêu gọi Triều Tiên hôm 29-5 rút lại kế hoạch phóng một “vệ tinh” mà họ cho là “vi phạm nghiêm trọng” các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là một “hành động bất hợp pháp rõ ràng không thể biện minh bằng bất kỳ lý do gì”.
Vào giữa tháng 4, một vụ thử tên lửa của Triều Tiên đã làm dấy lên lo ngại trên hòn đảo chính Hokkaido phía bắc Nhật Bản sau khi hệ thống cảnh báo khẩn cấp của chính phủ cảnh báo người dân tìm nơi trú ẩn.
Nhưng ngay sau đó, nỗi sợ hãi chuyển thành giận dữ và bối rối khi lệnh sơ tán được dỡ bỏ trong bối cảnh có báo cáo rằng nó đã được gửi nhầm và các quan chức địa phương nói rằng không có khả năng tên lửa rơi xuống hòn đảo. Tokyo sau đó xác nhận nó đã rơi bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông của bán đảo Triều Tiên.
Theo Triều Tiên, đó là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn mới, một bước phát triển mà các nhà phân tích cho rằng có thể cho phép nước này tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân tầm xa nhanh chóng và dễ dàng hơn.