(CAO) Trung Quốc đã đưa phi hành gia dân sự đầu tiên của mình lên quỹ đạo vào ngày 30-5 khi họ khởi động sứ mệnh Thần Châu-16, đưa người tới trạm vũ trụ của mình để luân chuyển phi hành đoàn trên quỹ đạo lần thứ hai, đánh dấu một bước tiến mới cho chương trình không gian đầy tham vọng của nước này.
Ba phi hành gia đi trên tàu vũ trụ Thần Châu-16 phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan trên sa mạc của tỉnh Cam Túc lúc 9h31 sáng 30-5 hướng đến trạm vũ trụ Thiên Cung quay quanh trái đất.
Phi hành đoàn gồm 3 người: Jing Haipeng, Zhu Yangzhu và Gui Haichao – sẽ thay thế các phi hành gia Thần Châu-15, những người đã ở trên trạm vũ trụ Thiên Cung mới hoàn thành của Trung Quốc kể từ tháng 11, để bắt đầu thời gian 5 tháng của riêng họ trên trạm.
Đây là sứ mệnh có người lái thứ năm của Trung Quốc lên trạm vũ trụ kể từ năm 2021.
Hai phi hành đoàn dự kiến sẽ gặp nhau tại trạm vũ trụ vào khoảng 6,5 giờ sau khi phóng, truyền thông nhà nước cho biết.
Trong số phi hành đoàn Thần Châu-16, Gui, giáo sư tại tổ chức hàng không danh tiếng của Trung Quốc - Đại học Beihang, người đã theo đuổi nghiên cứu sau tiến sĩ ở Canada, là người thuộc dân sự đầu tiên lên một chuyến bay vũ trụ. Tất cả các phi hành gia khác đều từng là thành viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Gui sẽ tiến hành các thí nghiệm không gian, trong khi Jing và Zhu sẽ vận hành và quản lý tàu vũ trụ, ngoài việc thực hiện các thử nghiệm kỹ thuật, Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) cho biết trong một cuộc họp báo hôm 29-5 để giới thiệu phi hành đoàn.
Tên lửa Trường Chinh đưa tàu Thần Châu - 16 lên vũ trụ ngày 30-5
Jing, chỉ huy sứ mệnh, là một cựu chiến binh không gian, nằm trong đội phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1998 và đã hoàn thành 3 nhiệm vụ chuyến bay có người lái. Nhiệm vụ đánh dấu chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên của Zhu và Gui, cả hai đều sinh năm 1986.
Việc Gui được lựa chọn cho phi hành đoàn đã thu hút sự quan tâm sâu sắc trên các phương tiện truyền thông trực tuyến của Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc trước đó đã đưa tin chi tiết quá trình huấn luyện nghiêm ngặt mà Gui đã trải qua trước khi thực hiện nhiệm vụ, bao gồm sinh tồn trên sa mạc, kiểm tra tình trạng thiếu ngủ, huấn luyện trung tâm và diễn tập dưới nước về kỹ năng vận hành.
Vụ phóng Thần Châu-16 diễn ra khi Trung Quốc đang nhanh chóng nâng cao năng lực của mình trong không gian – bao gồm cả việc thành lập trạm vũ trụ Thiên Cung, trạm vũ trụ đã hoàn thành việc xây dựng cơ bản vào năm ngoái và dự kiến sẽ vận hành và tiếp đón các phi hành gia trong ít nhất một thập kỷ.
Điều này có thể khiến nó trở thành trạm trên quỹ đạo duy nhất cho nghiên cứu khoa học sau khi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) kết thúc hoạt động vào năm 2030.
Trung Quốc đã tìm cách mở rộng trạm của mình để hợp tác với các đối tác quốc tế, bao gồm cả việc tổ chức các thí nghiệm từ các quốc gia khác.
3 người trong phi hành đoàn của sứ mệnh Thần Châu -16
Trong khi việc xây dựng trên quỹ đạo cấu trúc ba mô-đun hình chữ T của trạm vũ trụ đã được hoàn thành vào năm ngoái, có kế hoạch mở rộng cấu trúc và mở rộng khả năng nghiên cứu của nó trong những năm tới, theo truyền thông nhà nước.
Mô-đun cốt lõi của Thiên Cung lần đầu tiên đi vào quỹ đạo vào năm 2021, đánh dấu bước đi quan trọng đầu tiên trong giấc mơ xây trạm vũ trụ được chính phủ hình dung từ năm 1992.
Khoảnh khắc được các phương tiện truyền thông chính thức vào thời điểm đó ca ngợi là “hoạt động chính thức bắt tay vào xây dựng một trong những cơ sở trên không gian lớn nhất và tinh vi nhất của nhân loại.”
Trong cuộc họp báo hôm 29-5, CMSA cũng nhắc lại kế hoạch của Trung Quốc về việc đưa người lên mặt trăng vào năm 2030.