Ngoại trưởng Mỹ đã đột ngột hủy bỏ chuyến thăm tới Bắc Kinh, đây lẽ ra là cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung đầu tiên sau nhiều năm.
Trung Quốc trước đó đã bày tỏ sự hối tiếc, nói rằng đó là một khí cầu thời tiết đã bị thổi bay lạc vào không phận Mỹ.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang.
Vào ngày 3-2, Lầu Năm Góc cho biết một khinh khí cầu do thám thứ hai của Trung Quốc đã được phát hiện - lần này là ở khu vực Mỹ Latinh.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder cho biết: "Chúng tôi đang xem các báo cáo về một quả bóng bay đi qua khu vực Mỹ Latinh. Giờ đây chúng tôi đánh giá đó là một quả bóng bay do thám khác của Trung Quốc". Ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết về vị trí của khinh khí cầu thứ hai được phát hiện.
Ông Blinken mô tả việc Trung Quốc thả khí cầu do thám qua Mỹ là hành vi "vi phạm chủ quyền".
"Đây là một hành động không thể chấp nhận được cũng như vô trách nhiệm" - ông nói. "Đáng nói hơn khi vụ việc đến vào đêm trước của một chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ lâu".
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ dự kiến thăm Bắc Kinh từ ngày 5 đến 6-2 để hội đàm về nhiều vấn đề, bao gồm an ninh, Đài Loan và Covid-19.
Nhưng hôm 2-2, các quan chức quốc phòng Mỹ tuyên bố họ đang theo dõi một quả khinh khí cầu giám sát tầm cao bay qua không phận Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken
Trong khi giám sát khinh khí cầu, Lầu Năm Góc cho biết vật thể này "di chuyển ở độ cao cao hơn nhiều so với giao thông hàng không thương mại" và "không gây ra mối đe dọa quân sự hoặc thể chất nào đối với những người trên mặt đất"; tuy nhiên sự hiện diện của nó đã gây ra sự phẫn nộ cho dư luận Mỹ.
Vào ngày 3-2, Trung Quốc cuối cùng đã thừa nhận khinh khí cầu này là tài sản của họ, đồng thời cho biết nó là khí cầu dân sự được sử dụng để nghiên cứu khí tượng, đã đi chệch khỏi lộ trình vì thời tiết xấu.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này lấy làm tiếc về vụ việc và sẽ hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, quan chức bộ ngoại giao nói rằng mặc dù Mỹ thừa nhận tuyên bố của Trung Quốc về mục đích của khinh khí cầu, nhưng vẫn giữ nguyên đánh giá rằng nó được sử dụng để do thám.
Một chuyến đi khác của ông Blinken tới Trung Quốc sẽ được lên kế hoạch "sớm nhất có thể", một quan chức cấp cao khác của bộ ngoại giao cho biết, đồng thời nói thêm rằng Washington có kế hoạch duy trì "các kênh liên lạc cởi mở" về vụ việc.
Bộ ngoại giao đã thông báo cho các đồng minh thân cận của Mỹ về việc vi phạm không phận của Mỹ.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Bộ các vấn đề toàn cầu Canada thuộc Bộ Ngoại giao nước này cho biết họ đã triệu đại sứ Trung Quốc về vụ việc và sẽ "bày tỏ mạnh mẽ" quan điểm của mình với các quan chức Trung Quốc.
Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý với ông Blinken rằng việc đến Trung Quốc vào thời điểm này là "không thích hợp".
Theo giới chức Mỹ, chiếc khí cầu này đã bay qua bang Alaska của Mỹ và Canada trước khi xuất hiện ở bang Montana của Mỹ, nơi có một số địa điểm thiết đặt tên lửa hạt nhân nhạy cảm.
Đến sáng 3-2, khinh khí cầu đang di chuyển về phía đông "trên trung tâm lục địa Mỹ" ở độ cao khoảng 18.200 m, theo Chuẩn tướng Không quân Pat Ryder.
Thượng nghị sĩ bang Kansas - Roger Marshall cho biết trên Twitter rằng khinh khí cầu đã ở phía đông bắc bang của ông vào đầu giờ chiều 3-2 (giờ địa phương).
Cấu tạo khinh khí cầu do thám của Trung Quốc - Ảnh: BBC
Tướng Ryder cho biết thêm giới chức Mỹ đang theo dõi vật thể này và xem xét "các lựa chọn". Ông cho biết khinh khí cầu - mà ông mô tả là "có thể điều khiển được" - không gây ra mối đe dọa quân sự hay thể chất nào đối với những người trên mặt đất.
Các quan chức cho biết, mặc dù các máy bay chiến đấu đã được cảnh báo nhưng Mỹ quyết định không bắn hạ vật thể này do nguy cơ các mảnh vỡ rơi xuống.
Các đối thủ chính trị của tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden yêu cầu Nhà Trắng hành động cứng rắn đối với Trung Quốc.
Một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa - cũng như cựu Tổng thống Donald Trump - đã kêu gọi Mỹ dập tắt hoạt động gián điệp bị cáo buộc.
"Bắn hạ quả bóng đi" - ông Trump nói trong một tin nhắn ngắn trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social của mình.
Trên Twitter, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nói rằng sự cố khinh khí cầu là "một hành động gây bất ổn cần phải được giải quyết".
Các quan chức Trung Quốc trước đó đã công khai bày tỏ sự quan tâm đến tiềm năng thu thập thông tin của khinh khí cầu.
"Tiến bộ công nghệ đã mở ra một cánh cửa mới cho việc sử dụng bóng bay" - một bài báo trên tờ Quân đội Giải phóng Nhật báo do quân đội điều hành cho biết vào năm ngoái. Vào năm 2022, Đài Loan cho biết họ đã phát hiện khinh khí cầu của Trung Quốc trên không phận.
(CAO) Hôm 3-2, CNN đưa tin Lầu Năm Góc đang theo dõi một khinh khí cầu do thám được cho là của Trung Quốc bay qua không phận Mỹ.