(CATP) Tháng 8-2022 tại Mỹ diễn ra lễ trao trả gần 30 cổ vật của Campuchia bị đánh cắp từ nhiều thập niên trước và đưa ra nước ngoài trái phép. Trong số này có bức tượng thần Hindu Ganesha "mình người đầu voi" xuất hiện từ thế kỷ X.
Bức tượng cổ được săn lùng
Vốn bức tượng đá sa thạch này nằm ở Kok Ker, cố đô của Đế chế Angkor (Campuchia) giai đoạn 921 - 944. Ngay sau khi xây xong, kinh đô Kok Ker rộng đến 30km2 với 54 ngọn tháp bằng đá lớn, chưa kể hàng trăm ngôi đền thờ, Quốc vương Jayavarman IV quay lại Angkor và Kok Ker bị bỏ hoang cả ngàn năm giữa rừng già. Cuối thế kỷ XIX đầu XX, các nhà khảo cổ Pháp đã tới đây và tượng thần Ganesha được ghi lại trong tấm ảnh họ chụp năm 1934.
Giai đoạn 1970-2000, các khu đền cổ ở Campuchia chịu nhiều mất mát vì bom đạn, xung đột, đói nghèo và trộm cắp cổ vật. Sự biến mất của tượng thần Ganesha cũng ít được chú ý, mãi cho tới khi trên thị trường đồ cổ xuất hiện bức tượng "song sinh" với tượng thần Ganesha ở Kok Ker, do nhà khoa học và doanh nhân James H.Clark - người sáng lập Công ty công nghệ thông tin Netscape nổi tiếng ở Thung lũng Silicon Valley - phát hiện ra.
Theo lời kể của Clark, đầu những năm 2000 ông được một nghệ nhân trong lĩnh vực phục hồi các công trình nghệ thuật cổ Campuchia là Douglas Latchford thuyết phục mua một số cổ vật Đông Nam Á, chủ yếu là của Campuchia, trong đó có tượng thần Ganesha. Đang làm ăn phất lên, Clark đã tin vào lời khẳng định của Douglas rằng đây là bức tượng "song sinh" và nó đã rời khỏi Campuchia trước Công ước của Liên hợp quốc về buôn bán cổ vật năm 1970, thuộc về một nhà sưu tập nước ngoài... Clark đã mua lô hàng ấy cùng tượng thần Ganesha dùng để trang trí dinh thự của ông. Năm 2011, Clark bán dinh thự đó và tượng thần Ganesh được đưa vào kho ở Florida (Mỹ) cất giữ cho tới khi nhà chức trách Mỹ yêu cầu ông làm rõ việc mua bức tượng ấy nhân cuộc điều tra về hành vi mua bán đồ cổ trái phép của Douglas Latchford.
Tượng thần Ganesha chụp năm 1934 (bên trái) và ảnh chụp tại nhà kho của Clark
Douglas là nhân vật gây nhiều tranh cãi. Sinh ra tại Ấn Độ, được đào tạo bài bản tại Anh, thích thám hiểm rừng xanh và tập thể hình, năm 1956 đến Thái Lan sinh sống, nhập tịch, từng có vợ Thái. Liên quan tới số cổ vật của Campuchia, Douglas là nhân vật gây nhiều tranh cãi. Ông này từng cưỡi trực thăng khảo sát các khu đền cổ của Đế quốc Khmer, bất chấp ở đó vẫn còn những bãi mìn. Vào những năm 1970, Douglas là nhà cung cấp cổ vật Khmer lớn nhất cho các bảo tàng, nhà sưu tập ở Châu Âu, Bắc Mỹ, có lúc từng bị nghi ngờ đã bí mật bắt tay với Khmer Đỏ để buôn bán cổ vật.
Suốt nửa thế kỷ qua, Douglas từng được coi là người nắm giữ bộ sưu tập cổ vật Khmer khủng - có lúc được xem là lớn nhất thế giới, chủ yếu là các bức tượng Phật và Hindu, ngang ngửa với Bảo tàng Quốc gia Campuchia. Sau khi Douglas qua đời năm 2020, con gái ông đã hiến tặng cho Campuchia bộ sưu tập gồm 125 cổ vật Khmer trị giá 50 triệu USD.
Mặt trái của "người hùng"
Về phần mình, nhà chức trách Mỹ cho rằng hoạt động mua bán, môi giới cổ vật của Douglas đã vi phạm luật pháp Mỹ và quốc tế. Năm 2011 nhà khảo cổ Pháp Eric Bourdonneau phát hiện trong cuốn sách giới thiệu cổ vật của Nhà đấu giá Sothebys có hình chụp 1 bức tượng cổ Campuchia có tên "Người đấu võ”, nhưng thiếu mất 2 bàn chân. Linh tính nghề nghiệp nhắc ông nhớ tới 2 đế tượng nằm gần nhau với 2 bàn chân trên mỗi đế mà ông từng thấy ở di tích khảo cổ Prasat Che, Kok Ker năm 2009. Hai đế tượng này được chuyên gia người Anh Simon Warrack phát hiện và thông tin trong cộng đồng khảo cổ học năm 2007. Cả Warrack lẫn Bourdonneau đều nghĩ tới các nhân vật trong Sử thi Mahabharata với nhân vật chính là 5 hoàng tử nhà Pandava và người anh họ Đại hoàng tử (thái tử) Bhima. Từ 2009-2011, Bourdonneau đã tìm ra bức phù điêu đá mô tả trận chiến giữa Bhima - Duryodhana (1 trong 5 hoàng tử nhà Pandava). Khi so sánh hình ảnh của các hoàng tử trên phù điêu với bức tượng "Võ sĩ đền" được bảo tồn tại Quỹ Norton Simon Foundation, bức tượng mất 2 bàn chân trong quảng cáo của Sothebys cũng như 2 chân đế tượng với 4 bàn chân ở Prasat Che, Bourdonneau kết luận "Người đấu võ” và "Võ sĩ đền" chính là Duryodhana và Bhima. Nhận được thông báo của Bourdonneau, nhà chức trách Campuchia đã yêu cầu phía Mỹ can thiệp, bỏ tượng Duryodhana khỏi phiên đấu giá.
Cuộc chiến pháp lý nhằm đưa bức tượng "Người đấu võ” hay tượng Duryodhana về cố quốc bắt đầu, kéo dài tới năm 2019. Cơ quan điều tra xác định nó bị cướp năm 1972 và tới Mỹ sau khi đi vòng qua Châu Âu. Douglas bị cáo buộc là người thu xếp thương vụ này, cũng như một số vụ khác, trong đó có mua bán bức tượng thần Ganesh cho Steven Clark. Năm 2019, Douglas chính thức bị truy tố, mong muốn của nhà chức trách Mỹ là hoàn trả lại tất cả số cổ vật bị ông này đưa bất hợp pháp tới Mỹ đồng thời thu lại số lợi nhuận thu được nhờ công việc này, tuy nhiên ông ta đã qua đời nên sự việc tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn...
(Còn tiếp...)
(CATP) Thoạt nhìn, cái "mảnh" đó giống như viên ngói vỡ với chi chít vết dọc ngang hằn bên trên. Nhưng thực ra đó là trang sách bằng đất sét đã 3.600 năm, ghi lại theo kiểu chữ hình nêm (một loại cổ tự ở vùng đất rộng lớn mà nay thuộc Iraq) về những cuộc phiêu lưu của 1 nhân vật nửa vua nửa thần, nửa siêu nhân tên là Gilgamesh.
(CATP) Thoạt nhìn, cái "mảnh" đó giống như viên ngói vỡ với chi chít vết dọc ngang hằn bên trên. Nhưng thực ra đó là trang sách bằng đất sét đã 3.600 năm, ghi lại theo kiểu chữ hình nêm (một loại cổ tự ở vùng đất rộng lớn mà nay thuộc Iraq) về những cuộc phiêu lưu của 1 nhân vật nửa vua nửa thần, nửa siêu nhân tên là Gilgamesh.