Khi các cổ vật được "quy cố hương":

Kỳ 3: Tìm thấy "mảnh" của cuốn sử thi cổ nhất thế giới

Thứ Tư, 01/02/2023 16:41

|

(CATP) Thoạt nhìn, cái "mảnh" đó giống như viên ngói vỡ với chi chít vết dọc ngang hằn bên trên. Nhưng thực ra đó là trang sách bằng đất sét đã 3.600 năm, ghi lại theo kiểu chữ hình nêm (một loại cổ tự ở vùng đất rộng lớn mà nay thuộc Iraq) về những cuộc phiêu lưu của 1 nhân vật nửa vua nửa thần, nửa siêu nhân tên là Gilgamesh.

Quốc bảo lẫn trong đống tiền xu cổ hoen rỉ

Đó là một phần của 12 trang còn sót lại từ Giấc mơ của Gilgamesh - cuốn sử thi lâu đời nhất tìm được cho tới nay. Chúng được tìm thấy vào năm 1853 khi khai quật di tích thư viện của Vua Assur Banipal trị vì Đế quốc Assyria từ năm 669 đến 631 trước Công nguyên.

Vào tháng 9-2021, phiến đất sét ấy đã trở về Iraq sau 30 năm lưu lạc. Trước đó, năm 2019 nhà chức trách Mỹ đã thu giữ phiến thư tịch cổ này từ Bảo tàng Kinh thánh (diện tích 40.000m2) của gia đình tỷ phú Steve Green ở thủ đô Washington. Theo điều tra của phía Mỹ, trước chiến tranh vùng Vịnh 1990 - 1991, trang sách cổ này được trưng bày trong 1 bảo tàng của Iraq, sau đó biến mất, có lẽ do trộm hoặc bị hôi của trong những ngày chiến tranh loạn lạc và xuất hiện tại London (Anh) năm 2003 tại một cửa hàng bán những đồng xu tiền cổ, nhưng không mấy người nhận ra giá trị đích thực của nó. Phiến đất sét bụi bặm được bán qua nhiều người, cho đến khi sang tới Mỹ thì được 1 chuyên gia cổ tự phát hiện đó là 1 trang của cuốn sử thi nổi tiếng trên.

Sau khi tiếp tục được mua bán chuyền tay trên xứ cờ hoa, đến năm 2014 tỷ phú Green thông qua 1 nhà đấu giá đã mua lại "phiến đất sét" với giá 1,67 triệu USD theo 1 hợp đồng kín. Sau khi Bảo tàng Kinh thánh của gia đình ông mở cửa khai trương, "phiến đất sét" - một trong số quốc bảo của Iraq - được trưng bày tại đó cho tới ngày bị tố cáo là đồ ăn cắp.

Phiến đất sét ghi lại sử thi Giấc mơ của Gilgamesh

Những chuyến hàng chở "ngói đất sét nung"

Lúc ấy cũng là thời điểm Hobby Lobby - chuỗi cửa hàng bán lẻ các tác phẩm nghệ thuật và đồ thủ công do tỷ phú Green làm chủ được định giá 5 tỷ USD vào năm 2018 - bị phạt 3 triệu USD về việc nhập khẩu hơn 5.500 cổ vật với tổng trị giá 1,6 triệu USD trong 2 năm 2010 - 2011, gồm nhiều thư tịch cổ trên các phiến đất sét. Lý do Hobby Lobby mua số thư tịch này là để cung cấp cho Bảo tàng Kinh thánh và công tác nghiên cứu Kinh thánh qua những tài liệu cổ viết bằng chữ hình nêm.

Khi các cổ vật tới Mỹ đã bị lực lượng hải quan và biên phòng kiểm tra. Trên giấy tờ, người bán là một hãng buôn ở Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất đã dán nhãn trên các kiện hàng là "gạch sứ lát sàn", thậm chí là "ngói đất sét nung". Trong các tờ khai hải quan, mục xuất xứ hàng hóa được ghi là Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Israel, dù nguồn gốc đích thực là Iraq. Thậm chí các chuyên gia của hải quan còn nhận ra những thư tịch cổ này ra đời vào khoảng năm 2100 đến 1600 trước Công nguyên ở thành phố cổ đại Irisagrig, phần lớn trong số đó là tài liệu về chính quyền cổ đại đồng thời có cả những tài liệu mang tính tôn giáo. Theo luật pháp Mỹ, số cổ vật thuộc khu vực Iraq và lân cận xảy ra chiến tranh bị cấm nhập vào Mỹ từ năm 1991 để ngăn ngừa việc buôn bán cổ vật bị đánh cắp. Như vậy đã xuất hiện hành vi gian dối trong việc nhập cổ vật.

Hobby Lobby và Steven Green cho rằng, họ mắc lỗi này do thiếu kinh nghiệm trong việc mua bán các loại "hàng hóa" như thư tịch cổ trên đất sét nên đã không chú ý tới xuất xứ món hàng, đồng thời cũng vì quá tin tưởng vào các nhà buôn và hãng tàu vận chuyển nên mới dẫn đến "sự cố" trên. Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp Mỹ, Hobby Lobby đã bỏ qua cảnh báo của chuyên gia về việc số cổ vật đó có thể đã bị trộm hoặc cướp từ 1 trong các điểm khai quật khảo cổ ở Iraq. Năm 2010, công ty từng thuê 1 chuyên gia về luật sở hữu trí tuệ và chính người này đã yêu cầu công ty thẩm tra nguồn gốc của những món cổ vật đang tìm mua; trong khi trên thực tế, Hobby Lobby cũng không trực tiếp giao dịch hoặc gặp mặt người bán.

Rốt cuộc, số cổ vật Hobby Lobby mua và bị hải quan thu giữ đã được trả về cho Iraq, Hobby Lobby chấp nhận nộp phạt 3 triệu USD. Cũng nhờ vậy nên khi trang sách đất sét từ cuốn Giấc mơ của Gilgamesh bị tố cáo là đồ ăn cắp, năm 2017 Bảo tàng Kinh thánh sau khi nghiên cứu đã thông báo cho Chính phủ Iraq về sự xuất hiện của nó trong bảo tàng, đồng thời họ cũng khởi kiện nhà đấu giá giữ vai trò trung gian, nhưng không thành công. Tháng 9-2021, "mảnh" đắt giá của cuốn sách cổ nhất thế giới đã "hồi cố quốc" và được trưng bày trong Bảo tàng Quốc gia Iraq để kể về cuộc phiêu lưu qua nhiều châu lục trong vòng 30 năm.

(Còn tiếp...)

Kỳ 2: Tìm thấy
 
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang