Khi các cổ vật được "quy cố hương":

Kỳ 1: Hai mảnh ghép hoàn hảo của bức tượng đồng

Thứ Hai, 30/01/2023 17:56

|

(CATP) Những năm qua, các nước phương Tây, nhất là Mỹ, đã tăng cường kiểm soát thị trường mua bán cổ vật theo hiệp định quốc tế. Một số bảo tàng, các hãng đấu giá và những nhà sưu tập tư nhân không còn dám mạnh tay mua số cổ vật không có nguồn gốc rõ ràng. Nhờ đó, nhiều món đã được "hồi hương".

Đầu tháng 12-2022, phía Mỹ công khai việc đã thu giữ một số cổ vật hiếm thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, trị giá khoảng 20 triệu USD, nằm trong bộ sưu tập của gia đình bà Shelby White - vợ góa của doanh nhân Leon Levy, người được Tạp chí Forbes gọi là "thiên tài đầu tư của Phố Wall".

Lên phương án "hồi hương" cổ vật

Việc khám xét, thu giữ 23 cổ vật bắt đầu từ giữa năm 2021 cho tới tháng 4-2022. Trong số cổ vật - ước tính trị giá từ 15 ngàn tới 15 triệu USD - đáng chú ý là bức tượng đồng toàn thân của Hoàng đế La Mã Lucius Verus và 4 mảnh tranh khắc trên đá của chiếc quan tài ở Anatolia (tức Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Bức tượng có niên đại thế kỷ 1 - 2 sau Công nguyên, còn những bức tranh đá ra đời vào khoảng những năm 170 - 180 sau Công nguyên.

Trước đó 1 tháng, Mỹ cũng đã trao trả cho Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) 6 cổ vật bị đánh cắp tại nước này vào đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, sau cùng được đưa về Mỹ, trong số đó có tượng Hoàng đế Lucius Verus và 4 mảnh tranh khắc trên đá vừa nêu. Các công tố viên cho biết, gần một nửa số cổ vật được trao trả có liên quan tới mạng lưới đánh cắp, buôn bán cổ vật dính dáng tới Gianfranco Becchina và Giacomo Medici - 2 tay trùm buôn bán bất hợp pháp cổ vật, cả hai đều đã bị kết án.

Khi nói về nguồn gốc của số cổ vật được Mỹ trao trả, báo chí TNK lúc ấy chỉ cho biết chúng thuộc về 2 nhà bán đấu giá và 1 nhà sưu tập cá nhân ở Mỹ. Giờ thì đã rõ tượng Hoàng đế Lucius Verus và 4 mảnh tranh khắc trên đá thuộc về bộ sưu tập của gia đình Shelby White.

Ảnh chụp cận mặt tượng đồng của Hoàng đế La Mã Lucius Verus đặt trong nhà bà Shelby White

Phía TNK cho rằng việc "châu về hợp phố" của số cổ vật trên là kết quả từ nỗ lực hợp tác quốc tế giữa Mỹ - TNK. Trong phát biểu trước báo chí, Bộ trưởng Văn hóa - Du lịch TNK tiết lộ việc phía Thổ đòi lại tượng đồng Hoàng đế Lucius Verus bắt đầu từ nửa thế kỷ trước, khi bà Jale Inan (1914 - 2001), nữ khảo cổ học đầu tiên của TNK, lên tiếng. Vào thập niên 70 của thế kỷ XX, bà Jale Inan phát hiện 1 bức tượng đồng cổ đại khác của Lucius Verus ở TP.Burdur (nay là Bubon), cách thủ đô Ankara khoảng 400km. Sau khi so sánh bức tượng mới phát hiện với các tài liệu về tượng đồng Lucius Verus ở Mỹ, nhận ra bức tượng ở Mỹ có nguồn gốc từ TP.Burdur thời cổ đại, bà đã tới đây tiến hành khai quật đồng thời so sánh các bức tượng Lucius Verus được trưng bày trên thế giới với các dòng chữ đề tựa trên bệ đỡ mà bà tìm thấy ở Burdur. Mặc dù vậy, điều này vẫn chưa đủ để có thể đưa bức tượng "quy cố hương".

"Châu về hợp phố"

Theo người phát ngôn của bà Shelby White, khi mua các cổ vật bị thu giữ, hai vợ chồng không tin chúng đã bị đánh cắp và bà sẵn sàng hợp tác với cơ quan pháp luật. Sau khi số cổ vật bị thu giữ, bà đồng ý hoàn trả chúng về cố quốc.

Dư luận đánh giá việc thu giữ số cổ vật bị đánh cắp cho thấy nhà chức trách đang tạo áp lực để buộc các nhà sưu tập tư nhân, vốn thường giữ kín số cổ vật, phải có trách nhiệm hơn khi mua chúng. Vụ việc liên quan đến số cổ vật của bà Shelby White - thành viên Ban quản trị Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan (MET) lớn nhất Tây bán cầu cùng chồng mình - hiện là những nhà bảo trợ nghệ thuật lớn (năm 1995, hai vợ chồng đã tặng 20 triệu USD cho MET để tân trang các phòng trưng bày nghệ thuật Hy - La cổ đại) là một minh chứng.

Đây không phải lần đầu bộ sưu tập của gia đình Levy - White bị "soi" tìm số cổ vật mua trôi nổi. Năm 1990, hơn 200 hiện vật trong bộ sưu tập của họ được trưng bày trong triển lãm của MET và 1 thập niên sau đó, 2 nhà khảo cổ David Gill, Christopher Chippindale đã công bố nghiên cứu mà họ phát hiện 93% số cổ vật nói trên không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Năm 2011, nửa trên của bức tượng Herakles mệt mỏi mà ông bà Levy - White phối hợp với Bảo tàng nghệ thuật Boston mua năm 1981 từ nhà buôn Đức Mohammad Yeganeh cũng phải trả lại cho TNK. Yeganeh cho biết, nửa bức tượng đó là do mẹ ông (ở Iraq) mua vào năm 1950 từ 1 nhà buôn Đức và có thể ông này thu lại từ bộ sưu tập tư nhân ở Châu Âu sau Thế chiến II. Năm 1990, bức tượng được cho mượn để trưng bày ở MET và lúc này mọi người mới phát hiện nửa dưới của bức tượng nằm tại bảo tàng ở TNK, sau khi được khai quật ở Perge (TNK) năm 1980. Việc giám định sau đó xác nhận sự thật này, sau nhiều năm thương lượng, nửa bức tượng ở Mỹ đã được trả về cho phía Thổ.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang