Người Hong Kong xuống đường biểu tình đòi đặc khu trưởng từ chức

Chủ Nhật, 16/06/2019 16:32  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 16-6, Reuters đưa tin hàng chục ngàn người dân tại Hong Kong mặc đồ đen đã tràn xuống các tuyến phố biểu tình, đòi đặc khu trưởng – bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức.

Động thái này diễn ra bất chấp vào hôm 15-6, bà Nga tuyên bố hoãn tiến trình thông qua dự luật dẫn độ gây tranh cãi với Trung Quốc đại lục vô thời hạn. Những người biểu tình cho rằng bà Nga chỉ mới tuyên bố “hoãn” chứ chưa có ý định “dừng hẳn” việc đề xuất dự luật này.

Đám đông xuống đường, căng dòng chữ phía trước để gửi thông điệp đến cảnh sát Hong Kong: “Đừng bắn! Chúng ta đều là người Hong Kong”. Trong các đợt biểu tình trước, cảnh sát đã xịt hơi cay và bắn đạn cao su để giải tán đám đông.

Bất chấp nhiệt độ ngoài trời cao trên 30 độ C, đám đông vẫn hùng hổ rời khỏi công viên Victoria để tiến về các văn phòng chính phủ.

Những người biểu tình hô vang cổ vũ trong khi những nhà tổ chức bắt loa kêu gọi bà Nga từ chức.

Người Hong Kong tiếp tục xuống đường biểu tình hôm 16-6 kêu gọi bà Nga từ chức - Ảnh: Reuters

Trung Quốc ủng hộ bà Nga sau khi bà tuyên bố hoãn dự luật dẫn độ trao quyền cho đặc khu trưởng duyệt từng trường hợp cho phép đưa người từ Hong Kong sang Đại lục xét xử. Bà Nga trong buổi họp báo ngày 15-6 đã tuyên bố “buồn và hối tiếc sâu sắc” về sự việc này.

Loạt biểu tình được đánh giá là lớn nhất kể từ khi Anh trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc vào năm 1997.

Reuters dẫn lời Catherine Cheung – 16 tuổi chỉ trích: “Bà Nga đã từ chối xin lỗi vào hôm qua. Điều đó không thể chấp nhận được. Bà ta là một lãnh đạo tồi toàn nói lời dối trá. Tôi nghĩ bà ấy chỉ hoãn dự luật bây giờ để chúng tôi hạ hoả”.

Bạn học của Cheung- Cindy Yip nói với Reuters: “Đó là lý do vì sao chúng tôi vẫn tiếp tục đòi dự luật phải bị huỷ. Chúng tôi không còn tin bà ấy một chút nào nữa. Bà ấy phải từ chức”.

Đám đông thể hiện sự tức giận dù bà Nga tuyên bố hoãn dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục - Ảnh: Reuters

Những người chỉ trích cho rằng dự luật dẫn độ sẽ đe doạ đến hệ thống luật pháp đặc thù của Hong Kong, ảnh hưởng đến môi trường tài chính, đầu tư tự do và cạnh tranh của nơi này.

Một số doanh nghiệp Hong Kong đang tìm đường đặt chi nhánh ở nơi khác khi dự luật dẫn độ được đề xuất.

Tình hình Hong Kong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng do Bắc Kinh ngày càng can thiệp sâu rộng vào nền chính trị ở đặc khu này, mặc cho họ tuyên bố vẫn tuân thủ chính sách “Một quốc gia, hai chế độ”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang