Vụ tàu dầu bị tấn công ở Vịnh Oman: Nguy cơ thổi bùng xung đột

Thứ Bảy, 15/06/2019 22:29  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 14-6, Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Iran đứng sau các vụ tấn công nhắm vào các tàu chở dầu ở Vùng Vịnh.

Washington cảnh báo cộng đồng quốc tế về mối đe doạ tàu bị tấn công khi đi qua đây mặc dù Iran bác cáo buộc có liên quan đến những vụ nổ trên biển.

Loạt vụ tấn công làm gia tăng lo ngại về nguy cơ đối đầu giữa Mỹ và Iran trên tuyến đường biển chiến lược quan trọng, nơi các tàu dầu đi qua mỗi ngày. Nguy cơ xung đột quân sự cũng được nhắc tới.

Hiện nay có 2 luồng ý kiến: Một là chính Iran tấn công tàu chở dầu để đẩy giá dầu leo thang. Hai là Mỹ chính là bên tấn công, tạo cớ để can thiệp vào tình hình khu vực. Những thông tin hai bên đưa ra, đến nay vẫn còn nhiều mâu thuẫn.

Nói với Fox News, tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc: “Iran đã làm điều này và bạn biết đấy, họ đã làm điều đó vì bạn có thể thấy tàu của họ” – Trump đề cập đến đoạn video do quân đội Mỹ công bố chiếu cảnh một con tàu tiếp cận 2 tàu chở dầu sau các vụ nổ để cố gỡ những quả thuỷ lôi dính trên mạn tàu. Washington cáo buộc đây là tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Tuy nhiên cộng đồng quốc tế vẫn đang nghi ngờ tính chân thực của đoạn video này khi hình ảnh bị nhoè, không rõ nét để xác định được đó có phải là tàu của quân đội Iran tiếp cận hay không. Hay đây lại là một vụ dàn dựng bằng chứng để tạo cớ can thiệp.

Ảnh vệ tinh tàu chở dầu Front Altair bốc cháy trên vịnh Oman ngày 13-6 

Trong khi đó, Iran cho rằng đoạn video chẳng chứng minh được điều gì. Vụ việc diễn ra trong thời gian thủ tướng Nhật – Shinzo Abe đang có chuyến thăm đến Iran. Vì vậy cộng đồng quốc tế đặt nghi vấn về tính xác thực khi Tehran không có lợi gì để tổ chức một cuộc tấn công nhắm vào tàu Nhật vào lúc này.

Trước đó Mỹ cũng cáo buộc Iran tiến hành hai cuộc tấn công uỷ nhiệm vào ngày 12-5 nhắm vào 4 tàu dầu ở vùng Vịnh. Trong đó, Washington cho rằng Tehran đứng sau vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái vào ngày 14-5 nhắm vàp 2 trạm bom dầu của Ả Rập Saudi.

Tình huống đang dẫn đến đây là một kịch bản dàn dựng tồi. Trái với cáo buộc của Mỹ rằng hai con tàu bị tấn công bằng thuỷ lôi, chủ sở hữu của tàu Nhật Bản - Kokuka Courageous, con tàu khi đó chở methanol dễ cháy cho biết tàu mình bị tấn công bởi “2 vật thể bay”.

Trong khi đó, truyền hình Iran chiếu cảnh 23 thành viên thuỷ thủ đoàn được tin là từ con tàu của Na Uy - Front Altair đã được nước này cứu sống và có thể trở lại tàu bình thường. Trong khi thuỷ thủ đoàn trên tàu Kokuka Courageous được một tàu Hải quân của Mỹ cứu.

Tàu dầu bốc cháy trên Vịnh Oman ngày 13-6 thổi bùng căng thẳng - Ảnh: Reuters

Đến nay sau vụ việc, Mỹ - Iran vẫn “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” với những cáo buộc nhắm vào nhau.

Truyền thông phương Tây đưa tin lượng dầu thô Iran xuất khẩu mỗi ngày nay giảm xuống chỉ còn 400.000 thùng/ngày trong tháng 5. Xuất khẩu dầu là nguồn thu lợi nhuận chủ yếu của Tehran.

Các vụ tấn công tàu dầu khiến tình hình khu vực ngày càng bất ổn hơn. Trong khi Iran nhiều lần tuyên bố họ sẽ không đàm phán với Mỹ cho đến chừng nào các lệnh trừng phạt được gỡ.

Sự kiên quyết đó khiến chiến lược gây áp lực tối đa để đối phương ngồi vào bàn đàm phán theo phong cách của Trump, từng áp dụng cho những nước như CHDCND Triều Tiên có thể bị đổ vỡ. Việc dàn dựng tàu dầu bị tấn công là một cái cớ để đẩy căng thẳng và áp lực lên cao cũng là một trong những thuyết âm mưu đang được bàn tán sau loạt tấn công này. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang