(CAO) Hôm 27/5, CNN đưa tin nhiệt độ đã tăng trên 52 độ C ở tỉnh Sindh, miền nam Pakistan, mức cao nhất trong mùa hè và gần với mức cao kỷ lục của đất nước trong bối cảnh một đợt nắng nóng đang diễn ra ở quốc gia Nam Á này.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế cho biết nhiệt độ cực đoan trên khắp châu Á trong tháng qua đã trở nên tồi tệ hơn rất có thể là do biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Tại Mohenjo Daro, một thị trấn ở Sindh nổi tiếng với các địa điểm khảo cổ có niên đại từ nền văn minh thung lũng Indus được xây dựng vào năm 2500 trước công nguyên, nhiệt độ đã tăng lên tới 52,2 độ C (126 độ F) trong 24 giờ qua, Shahid Abbas - một quan chức cấp cao của Cục Khí tượng Pakistan nói với Reuters.
Nhiệt độ này là mức cao nhất trong mùa hè cho đến nay. Mohenjo Daro là một thị trấn nhỏ có mùa hè cực kỳ nóng bức, mùa đông ôn hòa và lượng mưa ít. Ở đây có các khu chợ, tiệm bánh, quán trà, tiệm cơ khí, cửa hàng sửa chữa điện tử và những người bán rau quả, thường rất nhộn nhịp khách hàng.
Nhưng với đợt nắng nóng như hiện nay, các cửa hàng gần như không có người đến.
Người dân dội nước cho mát giữa tiết trời nắng nóng ở Pakistan - Ảnh: Getty
“Khách hàng không đến nhà hàng vì nắng nóng quá mức. Tôi ngồi nhàn rỗi ở nhà hàng với những bộ bàn ghế này và không có khách hàng nào” - Wajid Ali, 32 tuổi, chủ một quán trà trong thị trấn nói với CNN.
Gần cửa hàng của Ali là một cửa hàng sửa chữa điện tử do Abdul Khaliq, 30 tuổi, điều hành, đang ngồi làm việc với cửa chớp của cửa hàng kéo xuống một nửa để che nắng. Khaliq cũng phàn nàn về việc nắng nóng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Bác sĩ địa phương Mushtaq Ahmed nói thêm rằng người dân địa phương đã thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và thích ở trong nhà hoặc gần nơi có nước hơn. “Pakistan là quốc gia dễ bị tổn thương thứ năm trước tác động của biến đổi khí hậu" - ông chia sẻ.
Rubina Khursheed Alam - điều phối viên về khí hậu của Thủ tướng, thông tin trong một cuộc họp báo hồi tuần trước rằng chính phủ đang tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân do tình trạng nắng nóng gây ra.
Nước đá lạnh trở thành mặt hàng bán chạy ở Pakistan vì thời tiết nắng nóng - Ảnh: Getty
Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở Pakistan là vào năm 2017 khi nhiệt độ tăng lên 54 độ C (129,2 F) tại thành phố Turbat, nằm ở tỉnh Balochistan phía tây nam.
Theo Sardar Sarfaraz - Giám đốc khí tượng học tại Cục Khí tượng Pakistan, đây là thời điểm nóng thứ hai ở châu Á. Sóng nhiệt sẽ giảm bớt ở Mohenjo Daro và các khu vực xung quanh, nhưng một đợt nắng nóng khác dự kiến sẽ tấn công các khu vực khác ở Sindh, bao gồm thủ phủ Karachi - thành phố lớn nhất Pakistan.