(CAO) Hôm 7-2, BBC đưa tin lực lượng cứu hộ đang vật lộn với mưa lớn và tuyết rơi để chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót sau trận động đất kinh hoàng xảy ra ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Ít nhất 3.500 người đã thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và bên kia biên giới ở Syria ít nhất 1.300 người đã tử vong khi trận động đất xảy ra vào rạng sáng ngày 6-2.
Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo số người chết có thể tăng lên khoảng 8.000 người khi lực lượng cứu hộ tìm thấy nhiều nạn nhân hơn.
Nhiều người trong khu vực thảm họa quá sợ hãi để quay trở lại các ngôi nhà.
Trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra lúc 8h17 sáng (giờ Việt Nam) hôm 6-2 có độ sâu tâm chấn 17,9km gần thành phố Gaziantep, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.
Các nhà địa chấn học cho biết đây là một trong những trận động đất lớn nhất từng được ghi nhận ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những người sống sót cho biết phải hai phút sau mặt đất mới ngừng rung chuyển.
Một trận động đất dư chấn sau đó có cường độ 7,5 độ richter và tâm chấn nằm ở quận Elbistan của tỉnh Kahramanmaras.
Khi các dư chấn tiếp tục diễn ra, một số nhân viên cứu hộ đã đào bới đống đổ nát bằng tay không để tìm kiếm những người sống sót.
Khu vực tâm chấn và những nơi chịu ảnh hưởng của trận động đất - Ảnh: BBC Tại thành phố Osmaniye của Thổ Nhĩ Kỳ, gần tâm chấn, mưa như trút nước đã cản trở lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát.
Các gia đình đã căng lều trên đường phố - bất chấp nhiệt độ lạnh cóng - vì họ sợ dư chấn sẽ khiến các tòa nhà khác sụp đổ.
Mỗi khi cảm thấy dư chấn, các gia đình lại di chuyển ra giữa đường.
Một chủ khách sạn trong thành phố nói với BBC rằng trong số 14 khách lưu trú đêm đó, chỉ có 7 người được tìm thấy thi thể.
Các quốc gia trên thế giới đang gửi hỗ trợ để giúp đỡ các nỗ lực cứu hộ, bao gồm các đội chuyên gia, chó nghiệp vụ và thiết bị.
Nhưng trận động đất đã gây ra thiệt hại đáng kể cho 3 sân bay của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tạo ra những thách thức đối với việc vận chuyển hàng viện trợ.
Nhiều trường hợp tử vong cũng đã xảy ra ở miền bắc Syria, nơi bị chiến tranh tàn phá, hàng triệu người tị nạn sống trong các trại ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Bác sĩ người Anh Shajul Islam đã làm việc tại bệnh viện của al-Shifa ở Idlib, miền bắc Syria, trong 7 năm qua. Ông nói với chương trình The World Tonight của BBC Radio 4 rằng các nạn nhân chết thảm trong bệnh viện do động đất là điều tồi tệ nhất từng thấy.
"Bệnh viện của chúng tôi đã kín chỗ. Hiện tại chúng tôi có khoảng 300-400 bệnh nhân trong bệnh viện... chúng tôi phải đặt 2 đến 3 bệnh nhân trên một giường" - ông nói.
Vị bác sĩ này cho biết mình đang chăm sóc cho 40-45 bệnh nhân nguy kịch trong phòng chăm sóc tích cực (ICU).
Sau lời kêu gọi quốc tế giúp đỡ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết 45 quốc gia đã đề nghị hỗ trợ.
Lực lượng cứu hộ đưa một người bị thương vì trận động đất đến một bệnh viện lớn ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để điều trị
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres kêu gọi phản ứng quốc tế, khi nhấn mạnh rằng nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi thảm họa "đã rất cần viện trợ nhân đạo ở những khu vực mà việc tiếp cận là một thách thức".
Liên minh châu Âu đang gửi các đội tìm kiếm và cứu hộ tới Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi lực lượng cứu hộ từ Hà Lan và Romania đã lên đường. Vương quốc Anh cho biết họ sẽ gửi 76 chuyên gia, thiết bị và chó cứu hộ.
Pháp, Đức, Israel và Mỹ cũng đã cam kết giúp đỡ. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị giúp đỡ cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, cũng như Iran.
Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong một trong những vùng động đất hoạt động mạnh nhất thế giới.
Năm 1999, một trận động đất đã giết chết hơn 17.000 người ở phía tây bắc trong khi năm 1939 đã có 33.000 người chết ở tỉnh Erzincan phía đông.
Trận động đất này đủ mạnh để có thể cảm nhận được ở những nơi xa xôi như đảo Síp, Li-băng và Israel.