Ô nhiễm khiến thủ đô Ấn Độ đóng cửa trường học, dừng hoạt động thi công

Thứ Bảy, 13/11/2021 14:05  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 13-11, Reuters đưa tin Uỷ ban kiểm soát ô nhiễm liên bang Ấn Độ đã ra lệnh cho các tiểu bang và cơ quan địa phương bật chế độ “sẵn sàng" để giải quyết tình trạng khói bụi ngày càng tồi tệ ở thủ đô New Delhi do nhiệt độ và tốc độ gió giảm.

Một làn khói bụi độc hại dày đặc đã bao trùm thủ đô của Ấn Độ khiến tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trở nên trầm trọng hơn do tình trạng đốt chất thải cây trồng ở các vùng đất nông nghiệp xung quanh tăng đột biến.

Nó làm giảm tầm nhìn và khiến Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI) đạt 470 trên thang điểm 500, theo ban kiểm soát ô nhiễm liên bang.

Mức độ ô nhiễm này có nghĩa là không khí sẽ ảnh hưởng đến những người khỏe mạnh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người mắc bệnh hiện có.

Uỷ ban khuyến nghị trong 48 giờ tới phải thúc giục các bang và cơ quan địa phương áp dụng các biện pháp khẩn cấp bao gồm đóng cửa trường học, áp đặt các hạn chế ô tô đi vào nội ô dựa trên biển số và dừng mọi hoạt động thi công.

Đầu tuần này, chính quyền địa phương đã ra lệnh đóng cửa các lò gạch, tăng tần suất làm sạch bằng cơ giới và ngăn chặn việc đốt rác.

Ô nhiễm không khí ở thủ đô Ấn Độ - Ảnh: Getty

Nồng độ các hạt bụi ô nhiễm PM2.5 đại trung bình 329 microgam trên một mét khối không khí vượt xa con số mà chính phủ quy định là 60 microgam trên mét khối không khí trong khoảng thời gian 24 giờ.

PM2.5 là những hạt bụi lơ lửng đủ nhỏ để đi sâu vào phổi, đi vào máu và có thể gây ra các bệnh hô hấp nghiêm trọng, bao gồm cả ung thư phổi.

Gufran Beig, người sáng lập dự án giám sát thời tiết và chất lượng không khí SAFAR thuộc Bộ Khoa học Trái đất cho biết: “Điều này đang trở thành một cơn ác mộng. Số lượng đám cháy nằm trong khoảng 3.000-5.000 và không giảm" - Beig nói với Reuters, đề cập đến các đám cháy do đốt rơm rạ ở các khu vực xung quanh thủ đô.

Những nỗ lực của Ấn Độ nhằm giảm việc đốt rác thải từ cây trồng, một nguồn gây ô nhiễm không khí chính trong mùa đông, bằng cách chi hàng tỷ rupee trong 4 năm qua đã giúp ngăn chặn được sự suy giảm nghiêm trọng về chất lượng không khí.

Delhi là thủ đô thường được xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới, phải đối mặt với tình trạng không khí cực kỳ tồi tệ vào mùa đông do đốt rơm rạ, khí thải từ phương tiện giao thông, các nhà máy đốt than bên ngoài thành phố và khí thải công nghiệp khác, đốt rác lộ thiên và bụi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang