Thủ đô Ấn Độ phá kỷ lục nắng nóng mọi thời đại

Thứ Năm, 30/05/2024 20:02  | Anh Duy

|

(CAO) Vùng thủ đô Delhi của Ấn Độ đã phải chịu nhiệt độ cao nhất từ ​​trước đến nay là 49,9 độ C vào ngày 28/5, khi một đợt nắng nóng ngột ngạt quét qua buộc chính quyền phải áp dụng chế độ phân phối nước.

Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết kỷ lục mới được đo ở ngoại ô Mungeshpur, vượt qua mức cao trước đó của Delhi là 49,2 độ C, được quan sát vào tháng 5/2022.

Atishi Marlena Singh, một Bộ trưởng cấp cao của chính quyền Delhi, thông tin tại một cuộc họp báo rằng một số khu vực của Delhi đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước, trong khi những khu vực khác thì không có nước.

Theo Singh, những khu vực thường nhận được nguồn cung cấp nước hai lần một ngày giờ đây sẽ bị cắt giảm lượng cung cấp nước xuống còn một lần một ngày để chuyển hướng nguồn lực đến những khu vực có ít hoặc không có nguồn cung cấp nào cả.

Được biết, tình trạng thiếu nước là do “đợt nắng nóng cấp tính” cũng như việc thiếu nguồn cung cấp nước từ bang Haryana phía bắc đến Delhi, vốn không được thực hiện như thường lệ.

Người dân uống nước trong thời tiết nắng nóng ở vùng thủ đô Delhi - Ấn Độ 

Delhi không đơn độc khi nền nhiệt tăng vọt khắp vùng tây bắc Ấn Độ. Nhiệt độ ở thành phố Churu thuộc bang Rajasthan tăng vọt lên 50,5 độ C. Theo Chính quyền Ấn Độ, Sirsa, một thành phố thuộc bang Haryana, đã chứng kiến ​​nhiệt kế lên tới 50,3 độ C.

Cục khí tượng cho hay, tình trạng nắng nóng sẽ phổ biến ở Delhi vào ngày 29/5 nhưng dự kiến ​​​​sẽ giảm dần bắt đầu từ ngày 30/5.

Nắng nóng cực độ đang trở nên phổ biến và dữ dội hơn ở nhiều nơi trên thế giới do cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra.

Theo các chuyên gia, Ấn Độ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng cực độ và một số nơi đang đẩy giới hạn khả năng sống sót của con người đến giới hạn. Một nghiên cứu cho thấy các đợt nắng nóng đã giết chết hơn 24.000 người ở nước này kể từ năm 1992.

Sự gia tăng các đợt nắng nóng trong những năm tới có thể đe dọa sự phát triển của Ấn Độ và có nguy cơ đảo ngược tiến trình xóa đói giảm nghèo, y tế và tăng trưởng kinh tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang