(CAO) Chính quyền CHDCND Triều Tiên cho biết họ đã thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới vận hành bằng nhiên liệu rắn – là tên lửa "mạnh nhất" của nước này cho đến nay.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã ca ngợi vụ phóng hôm 13-4 dẫn đến lệnh sơ tán ngắn ở Nhật Bản - là một "thành công kỳ diệu".
Tên lửa nhiên liệu rắn có thể được phóng nhanh hơn tên lửa nhiên liệu lỏng, khiến chúng khó bị phát hiện và đánh chặn hơn.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết cuộc thử nghiệm sẽ khiến các đối thủ "chịu đựng sự sợ hãi và lo lắng tột độ".
Hàn Quốc hôm 14-4 cho biết, công nghệ được phô diễn không phải là mới và Triều Tiên sẽ cần thêm thời gian và nỗ lực để phát triển một ICBM nhiên liệu rắn đầy đủ chức năng.
Ông Kim giám sát vụ phóng cùng với con gái, vợ và em gái của mình.
Ông cũng cho biết vũ khí thử nghiệm, được gọi là Hwasong-18, sẽ hỗ trợ chiến lược quân sự của Triều Tiên.
KCNA cho biết trong báo cáo hôm 14-4 rằng vụ phóng sáng 13-4 chủ yếu nhằm mục đích "xác nhận hiệu suất của động cơ đa tầng nhiên liệu rắn lực đẩy cao, công nghệ tách tầng và độ tin cậy của các hệ thống điều khiển chức năng khác nhau".
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên phóng thử ICBM nhiên liệu rắn sau nhiều năm thử tên lửa tầm ngắn nhiên liệu rắn. Nước này đã thử nghiệm nhiều ICBM khác nhau, nhưng chúng được cung cấp năng lượng bằng nhiên liệu đẩy lỏng.
Triều Tiên vừa phóng ICBM mạnh nhất từ trước đến nay
Các chuyên gia cho rằng đây là một bước đột phá lớn trong chương trình vũ khí của nước này, vì ICBM nhiên liệu rắn sẽ cho phép tên lửa của Triều Tiên có thể vươn tới Mỹ mà không cần cảnh báo trước.
Vụ phóng đã gây ra sự lo lắng ở hòn đảo miền bắc Nhật Bản, nơi lệnh sơ tán được ban hành và sau đó được rút lại trong vòng 30 phút. Các trường học ở đảo Hokkaido của Nhật Bản đã hoãn thời gian bắt đầu học và một số dịch vụ xe lửa đã bị đình chỉ.
Các nhà chức trách ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã lên án mạnh mẽ động thái này, diễn ra vài ngày sau khi ông Kim được cho là đã ra lệnh cho quân đội của mình áp dụng cách thức "thực tế và tấn công hơn" để răn đe chiến tranh.
Các nhà phân tích cho rằng việc Triều Tiên tung ra vũ khí mới, mạnh hơn không gây ngạc nhiên.
"Do Triều Tiên đã thử nghiệm các động cơ tên lửa rắn có đường kính lớn cho dòng Pukguksong trong vài năm, rõ ràng là kể từ năm 2020, một vụ thử như thế này có thể xảy ra bất cứ lúc nào" - Jeffrey Lewis, giám đốc khu vực Đông Á của chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến hạt nhân James Martin ở California (Mỹ) nhận định.
Đây là một tuần quan trọng đối với Triều Tiên khi nước này kỷ niệm 11 năm cầm quyền của ông Kim.
Triều Tiên đang nỗ lực tăng cường kho vũ khí hạt nhân và chế tạo vũ khí hiện đại hơn bao giờ hết. Họ cũng chỉ trích các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, cáo buộc làm leo thang căng thẳng trên bán đảo.
Vụ phóng tên lửa mới nhất cũng diễn ra hai ngày trước sinh nhật của nhà lãnh đạo sáng lập Triều Tiên Kim Il Sung.