Vì sao Macron chiến thắng?

Thứ Ba, 09/05/2017 00:35  | Anh Duy

|

(CAO) Chỉ một năm trước, Macron còn là thành viên của chính quyền Hollande – một trong những tổng thống không được ủng hộ nhất trong lịch sử hiện đại Pháp. Nay ông đã trở thành tổng thống ở tuổi 39, vị tổng thống trẻ nhất trong lịch sử hiện đại Pháp không thuộc phe hữu hay phe tả.

Vì sao ông Macron chiến thắng, BBC nhận định có 5 lý do chính yếu sau đây:

1. May mắn

Không nghi ngờ về điều này, chính “thiên thời – địa lợi- nhân hòa” đã góp phần đem lại chiến thắng cho ông.

Cuộc vận động tranh cử đã chứng kiến loạt bê bối (scandal) hạ gục những ứng viên nổi cộm như ứng viên trung hữu François Fillon, ứng viên đảng Xã hội Benoît Hamon.

Các đối thủ bị scandal bỏ lại phía sau khiến Macron rộng đường tiến về trước. “Ông ấy thật sự rất may mắn bởi ông đối mặt với một tình huống hoàn hảo không thể đoán trước” – Marc- Olivier Padis thuộc cơ quan nghiên cứu chiến lược Terra Nova đặt tại Paris nhận định.

2. Khôn ngoan

Nhận ra sự chán ngán của dân chúng khi chính trị Pháp nhiều năm qua bị chi phối bởi hai dòng chủ lưu tả và hữu, Macron đã mạnh dạn chọn hướng trung lập.

Thật ra ông có thể ra tranh cử với tấm vé là ứng cử viên của đảng Xã hội (đảng của tổng thống đương nhiệm Hollande) nhưng ông đã không làm thế.

Nhận ra đảng Xã hội đang ngày càng thất sủng trong mắt dân chúng khiến tiếng nói vận động tranh cử của ông có thể bị thách thức, Macron đã xin từ chức Bộ trưởng Kinh tế trong chính quyền Hollande, thành lập phong trào Tiến lên! (En Marche!) chủ trương phi tả, phi hữu để ra tranh cử.

Với chiến thuật khôn ngoan, Macron đã trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử hiện đại Pháp - Ảnh: AFP

Ông nhìn vào xu hướng hàng loạt các đảng cực hữu và cực tả đang thắng thế trên khắp Châu Âu từ đảng cực tả Podemos ở Tây Ban Nha, phong trào dân túy đảng 5 sao ở Ý, rồi đến đảng Mặt trận quốc gia cực hữu của bà Le Pen khiến ông muốn chọn một con đường độc lập cho mình: xu hướng trung lập để tạo sự khác biệt.

Tháng 4-2016, ông lập phong trào Tiến lên! với khẩu hiệu “quyền lực của nhân dân” chỉ 4 tháng sau khi ông rời khỏi chính quyền Hollande. Ông đã chọn một con đường khác biệt.

3. Cố gắng làm điều gì mới ở Pháp

Khi thành lập phong trào Tiến lên!, ông lấy gợi ý từ chiến dịch tranh cử tổng thống của tổng thống Mỹ Obama năm 2008.

Phong trào vận động tranh cử của ông có lớp lang, bài bản từ tổ chức tiếp xúc cử tri, tổ chức đội tình nguyện viên gõ cửa từng nhà, nhất là những vùng, khu dân cư có ảnh hưởng đến bức tranh chính trị của Pháp.

Macron sử dụng những công ty cung cấp nhân lực cho những cuộc vận động tranh cử, với cách thức vận động giống chiến dịch vận động tranh cử của Obama năm 2008.

Họ gửi đội tình nguyện gõ cửa 300.000 ngôi nhà, thực hiện 25.000 cuộc phỏng vấn, mỗi cuộc dài 15 phút đối với các cử tri trên khắp cả nước để lấy dữ liệu, xu hướng bỏ phiếu của cử tri, tạo ra dữ liệu lớn để tham khảo cho chiến dịch tranh cử, giúp chiến dịch của ông điều chỉnh được các chính sách ưu tiên để tiếp xúc với dân chúng trong thời gian vận động.

Nhóm trọng tâm trong vận động tranh cử của Macron đã phát huy hiệu quả khi một phần giúp ông đo được ‘nhiệt độ’ chính trị của đất nước và tạo ra kênh tương tác giữa người dân với chiến dịch ngay từ những phút đầu của cuộc vận động tranh cử, đảm bảo lực lượng tình nguyện viên gõ cửa, tiếp xúc với cử tri từ nhà này sang nhà khác.

4. Thông điệp tích cực

Là “người mới” ra tranh cử, nhưng xét ra ông Macron có kinh nghiệm thực tế vượt trội so với bà Le Pen vì từng làm vị trí bộ trưởng Kinh tế thời chính quyền Hollande, từng làm cựu nhân viên tại một ngân hàng đầu tư, tham gia các vị trí điều hành trong lĩnh vực công.

Đây là vũ khí hoàn hảo trước Le Pen, ứng viên xuất thân từ tầng lớp tinh hoa, chưa có nhiều kinh nghiệm.

Ông mang đến một thông điệp lạc quan, tích cực với tố chất là một người trẻ, giàu năng lượng nhiệt huyết. Macron tìm cách truyền tải hiệu quả thông điệp: Hành động và lý giải cách thức người dân có thể nắm bắt được những cơ hội của thời đại.

Chiến thắng của ông Macron khiến cả Châu Âu thở phào - Ảnh: Reuters

5. Đưa ra tầm nhìn đối chọi với Le Pen

Ứng viên đối thủ Le Pen đưa ra những thông điệp phủ nhận: chống người nhập cư, chống Liên minh Châu Âu (EU), chống cả hệ thống chính trị Pháp, trong khi đó Macron chọn tầm nhìn ngược lại với bà, với cách thức vận động lạc quan.

Ngay chiến dịch tranh cử đã nói lên điều đó, khi những người ủng hộ ông ở những buổi gặp gỡ xuất hiện cùng nhau trên nền nhạc Pop thì phía Le Pen những cuộc gặp vận động cử tri xuất hiện trong không khí nặng về chính trị, bao gồm cả những người biểu tình ném cả chai lọ tạo ra một bầu không khí nặng nề, u ám bao trùm.

Lo sợ tư tưởng cực hữu mang màu sắc cực đoan, phần lớn cử tri chọn Macron như một phương cách ngăn đà tiến của bà Le Pen. Bà đã phải chuốc thất bại trong cay đắng.

Có thể nói: Tư tưởng khác biệt, độc đáo, chiến dịch vận động hoàn hảo cùng những thuận lợi do hoàn cảnh đưa đẩy đã đưa Macron trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử hiện đại Pháp ở tuổi 39.

Bình luận (0)

Lên đầu trang