Đây là một vụ sụp đổ ngân hàng Mỹ lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 gây chấn động toàn cầu.
SVB đã cố gắng huy động tiền để khắc phục khoản lỗ từ việc bán tài sản bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao hơn.
Tin tức về những rắc rối của ngân hàng này khiến khách hàng đua nhau rút tiền, dẫn đến khủng hoảng tiền mặt.
Các nhà chức trách vào ngày 12-3 cũng đã tiếp quản ngân hàng Signature - là một ngân hàng thương mại thành lập từ năm 2001, có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ), nơi có nhiều khách hàng tham gia vào tiền điện tử và được coi là tổ chức dễ bị tổn thương nhất trước một vụ rút tiền tương tự.
Cả SVB và Signature Bank đều chuyên về một lĩnh vực. Họ cũng nắm giữ quá nhiều tài sản có giá trị rồi sau đó chịu áp lực từ việc tăng lãi suất.
Những ngân hàng nào khác đang gặp rủi ro?
Cổ phiếu ngân hàng ở Mỹ, châu Á và châu Âu sụt giảm sau sự sụp đổ của SVB và Signature Bank do các nhà đầu tư lo lắng về tình trạng chung của ngành ngân hàng.
Những người cho vay nhỏ hơn của Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề. Đợt bán tháo ban đầu diễn ra, mặc dù họ đã trấn an khách hàng rằng họ có đủ tiền mặt để có thể tự bảo vệ mình khỏi những cú sốc.
Dòng người xếp hàng trước chi nhánh SVB ở Santa Clara, California chờ rút tiền sau vụ sụp đổ của ngân hàng này - Ảnh: BBC
Các nhà đầu tư lo lắng rằng sự sụp đổ của hai ngân hàng là một dấu hiệu của những rắc rối ở các công ty khác vì hầu hết các ngân hàng trải rộng phạm vi hoạt động của họ trên nhiều lĩnh vực và cũng có nhiều tiền mặt trong tay.
Vụ việc làm nổi bật thực tế là nhiều ngân hàng rủi ro hơn những gì họ tưởng, bởi vì nhiều ngân hàng sẽ thua lỗ liên tục khi đầu tư vào trái phiếu chính phủ khi lãi suất tăng cao, đẩy giá trị của chúng xuống.
Đó là một bức tranh mà các nhà đầu tư đã nhận ra trong những ngày gần đây, và là một trong những lý do khiến cổ phiếu ngân hàng giảm giá.
Tiền gửi của khách hàng có an toàn không?
Chính phủ Mỹ từ lâu đã đảm bảo cho các khoản tiền gửi ngân hàng dưới 250.000 đô la - và nếu bạn giống như hầu hết mọi người, bạn có thể không có nhiều hơn số tiền đó trong tài khoản ngân hàng.
SVB và Signature có nhóm khách hàng khác nhau: SVB phục vụ chủ yếu cho các công ty công nghệ mới thành lập, trong khi Signature Bank là ngân hàng thương mại tập trung vào khách hàng doanh nghiệp. Nhiều tài khoản trong số đó có số tiền vượt quá mức 250.000 đô la.
Nhưng hành động được Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang và Tổng công ty tiền gửi bảo hiểm liên bang (FDIC) thực hiện vào cuối tuần qua có nghĩa là ngay cả những khách hàng đó cũng sẽ không bị mất tiền.
Tổng thống Biden cho biết rằng những động thái đó sẽ trấn an những người Mỹ lo lắng về hệ thống ngân hàng: "Tiền gửi của bạn sẽ ở đó khi bạn cần".
Trong khi đó, HSBC đã mua lại chi nhánh của SVB tại Vương quốc Anh, mang lại sự nhẹ nhõm cho các công ty công nghệ của Vương quốc Anh.
Động thái này có nghĩa là những khách hàng và doanh nghiệp không thể rút tiền giờ đây có thể rút tài sản của mình như bình thường.
Vụ sụp đổ của SVB gây chấn động toàn cầu
Các cơ quan quản lý của Mỹ đã cố gắng bán SVB. Họ cũng đã tạo ra một chương trình cho vay hoàn toàn mới. Nó cho phép các ngân hàng đang đối mặt với các vấn đề tương tự sử dụng một số tài sản tài chính của họ làm phương tiện để vay tiền từ Cục Dự trữ Liên bang, ngân hàng trung ương của Mỹ.
Chương trình mới được tạo ra này về cơ bản hoạt động như một điểm dừng để đảm bảo các ngân hàng sẽ có thể đáp ứng mọi nhu cầu của người gửi tiền.
Nhưng câu hỏi liệu chính phủ có giải cứu một ngân hàng gặp khó khăn hay không vẫn là một vấn đề chính trị gây tranh cãi, phản ánh sự tức giận kéo dài đối với viện trợ dành cho Phố Wall trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tổng thống Biden hôm 13-3 cho biết lãnh đạo của bất kỳ ngân hàng nào do FDIC tiếp quản sẽ bị sa thải, đồng thời làm rõ những người sẽ phải chịu trách nhiệm; để đảm bảo rằng người dân Mỹ sẽ không phải trả giá.
Ông Biden nói: "Người nộp thuế sẽ không phải gánh chịu bất kỳ thiệt hại nào. Tôi xin nhắc lại rằng: Người nộp thuế sẽ không phải gánh chịu bất kỳ tổn thất nào". Thay vào đó, tiền sẽ đến từ phí mà các ngân hàng trả vào Quỹ bảo hiểm tiền gửi.
Nhưng thực tế là hầu hết người Mỹ là khách hàng của ngân hàng. Các khoản phí được tính cho các ngân hàng cuối cùng chính người tiêu dùng sẽ trả. Vì vậy, ngay cả khi nó không thông qua thuế của họ, thì trên thực tế, người Mỹ vẫn đang gặp khó khăn.
Những ngành nào bị ảnh hưởng?
SVB là bên cho vay quan trọng đối với các doanh nghiệp ở giai đoạn đầu, vì vậy sự sụp đổ của nó dẫn đến lo ngại về tác động dây chuyền đến nhiều ngành khác, từ công nghệ khí hậu đến nghiên cứu y tế.
Đây còn là đối tác ngân hàng của gần một nửa số công ty chăm sóc sức khỏe và công nghệ được hỗ trợ bởi liên doanh của Mỹ đã niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm ngoái.
Một công ty bị cuốn vào sự sụp đổ đó là Etsy, công ty chuyên hàng thủ công trực tuyến có trụ sở tại Mỹ.
Cuối tuần qua, công ty cho biết họ đã gặp phải sự chậm trễ trong việc phát hành thanh toán cho một số người bán liên quan đến sự sụp đổ của SVB. Các nhóm "đã làm việc suốt ngày đêm để thực hiện một giải pháp" và rằng nó có thể phát hành tiền gửi vào ngày 13-3.
Cục Dự trữ Liên bang đã tích cực tăng lãi suất để giảm đà lạm phát. Nhưng lãi suất tăng cao là một phần nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng này.
Các số liệu công bố vào ngày 14-3 cho thấy lạm phát hàng năm của Mỹ ở mức 6% trong tháng 2, với mức giá hàng hoá tăng cao liên tục làm nổi bật thách thức đối với Fed.
Hiện các nhà đầu tư đang có tâm lý lo lắng chung về việc cuộc khủng hoảng tiếp theo do lãi suất tăng có thể xảy ra ở đâu.
Một số nhà đầu tư và nhà phân tích tài chính thậm chí còn suy đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ ngừng tăng lãi suất để đối phó với các sự kiện trong vài ngày qua, hoặc thậm chí bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên tất cả chỉ mới là suy đoán.