Bi kịch sau ánh hào quang:

Kỳ 3: Gây án dưới vỏ bọc "nữ pháp sư”

Thứ Tư, 15/03/2023 19:33

|

(CATP) Nhắc đến những vụ án mạng gây ám ảnh nhất Malaysia, Mona Fandey - nữ ca sĩ nhạc pop kiêm vũ công ballet từng xuất hiện trên một số chương trình truyền hình đứng đầu danh sách. Khi sự nghiệp ca hát tuột dốc, Mona chuyển sang làm "pháp sư” trước khi cùng chồng và đồng phạm gây thảm án vào năm 1993. Sự thật gây sốc được tiết lộ qua "nghi lễ tử thần" kinh hoàng.

Từ ca sĩ thành "nữ pháp sư”...

Maznah binti Ismail (nghệ danh Mona Fandey) SN1956 tại Kangar, Perlis, Malaysia, nhờ sở hữu chất giọng tốt nên luôn mơ ước trở thành ngôi sao nhạc pop. Sau khi kết hôn với Mohamad Nor Affandi Abdul Rahman, Mona được người đàn ông này tài trợ và từng tạo tiếng vang nhờ album nhạc mang tên Diana.

Trên sân khấu và cả ngoài đời, nữ ca sĩ tuổi không còn trẻ thường xuất hiện với nụ cười trong những trang phục màu sắc sặc sỡ, diêm dúa. Giữa lúc sự nghiệp xuống dốc, vợ chồng Mona chuyển sang làm pháp sư ở địa phương, do người dân Malaysia thường có lòng tin mãnh liệt vào các đấng siêu nhiên, nhất là giới chính trị gia. Cùng trợ lý Juraimi Hussin, việc làm ăn của cả ba trở nên phát đạt với những lá "bùa hộ mệnh" tặng cho một số chính trị gia để giúp thu phục sự ủng hộ của họ. Các khách hàng của Mona thường sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để đổi lấy dịch vụ "mê tín" của bộ ba này. Cặp đôi nhanh chóng mua được nhà lầu, xe hơi và bắt đầu cuộc sống thượng lưu, cho đến khi xảy ra vụ án mạng của nghị sĩ Mazlan Idris thuộc Hội đồng lập pháp khu vực bầu cử Batu Talam, bang Pahang.

... Đến nghi lễ tử thần

Đầu tháng 7-1993, khi Mazlan tìm đến nhờ vợ chồng Mona giúp huy động sức mạnh siêu nhiên để có thể thăng tiến trên con đường sự nghiệp, cả hai cùng trợ lý Juraimi tương kế tựu kế thuyết phục Mazlan tham gia nghi lễ "thanh tẩy" tại nhà mình nhằm quét sạch tà ma để mau chóng "công thành doanh toại". Với "gậy thần" cùng "bùa hộ mệnh" và chiếc mũ truyền thống của "cựu Tổng thống Indonesia Sukarno", Mona đòi Mazlan trả 2,5 triệu RM (khoảng 657.895 USD) và sang tên vài mảnh đất thuộc quyền sở hữu của ông này. Nghị sĩ đã đưa 500.000 RM tiền cọc đồng thời hứa chuyển 10 sổ đỏ để thế chấp cho khoản tiền còn lại.

Hiện trường phát hiện thi thể nạn nhân. Ảnh: Rojak Daily

Theo tờ New Straits Times, sau đó do một số thỏa thuận nhượng quyền sử dụng đất không diễn ra theo ý muốn nên Mona đã cùng chồng và trợ lý lên kế hoạch sát hại nghị sĩ Mazlan để chiếm đoạt tài sản, đem phi tang thi thể trong căn nhà của ông ở Kampung Lata Jarum, bang Pahang, Malaysia.

Suốt nhiều tuần, truyền thông liên tục đưa ra suy đoán về sự biến mất bất ngờ của chính trị gia nổi tiếng trên. Đến khi cảnh sát vào cuộc, làm rõ việc Mazlan đã rút 300.000 RM từ nhiều ngân hàng ngay trước khi được thông báo mất tích cùng mối liên hệ với Mona trong lúc nữ "pháp sư” này tung tăng mua sắm thả ga, gồm cả chiếc Mercedes-Benz và đi phẫu thuật thẩm mỹ.

Khi bị thẩm vấn, Juraimi đã khai nhận tất cả hành vi phạm tội. Tại hiện trường, cảnh sát phát hiện bàn thờ và tượng các vị thần, dao, rìu dùng để hành sự cùng 1 khẩu súng lục.

Quá trình xét xử, Mona có lối hành xử "kỳ lạ” khi thường xuyên mỉm cười và tạo dáng trước ống kính máy ảnh, hát cho các thẩm phán nghe, diện trang phục đầy màu sắc. Trong phiên tòa kéo dài từ tháng 8-1993 đến tháng 02-1995, bên công tố đưa ra 76 nhân chứng và 295 tang vật, nhưng Mona, Affandi và Juraimi không nhận tội giết người trước tất cả cáo buộc.

Sau khi 3 bị cáo kháng án lên Tòa Liên bang, năm 1999 tòa đã bác bỏ và giữ nguyên bản án tử hình. Cả ba bị hành quyết trên giá treo cổ, chính thức kết thúc vụ án kinh hoàng nhất lịch sử Malaysia. Đây cũng là phiên tòa xét xử có bồi thẩm đoàn cuối cùng của nước này.

Nỗi ám ảnh về vụ trọng án của "nữ pháp sư Mona" đã trở thành đề tài trong bộ phim kinh dị Dukun năm 2006 và dù đã bị Chính phủ Malaysia cấm do tính chất nhạy cảm của nội dung thể hiện, nhưng một bản sao chưa bị cắt được chia sẻ trên mạng đầu năm 2018 đã dẫn đến bộ phim chính thức được công chiếu ngày 05-4-2018.

(Còn tiếp...)

Kỳ 2: Cái kết
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang