(CATP) Vương quốc Anh vừa đưa ra lời mời các quốc gia Đông Nam Á tham dự hội nghị của các Ngoại trưởng G7 ở Liverpool vào tháng tới, động thái có nguy cơ dẫn đến những lo ngại rằng liên minh mới giữa Anh - Mỹ - Úc sẽ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực.
Các quốc gia thành viên ASEAN đang chia rẽ về thỏa thuận quốc phòng 3 bên mới giữa Anh - Mỹ - Úc (Aukus), trong đó Anh - Mỹ sẽ giúp Úc phát triển và triển khai tàu ngầm hạt nhân, nhưng một số thành viên - đặc biệt là Indonesia, Malaysia - đã chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận này.
Lời mời tới Merseyside từ ngày 10 đến 12 được đưa ra đúng 1 tuần sau vụ tấn công khủng bố bên ngoài Bệnh viện Liverpool Woman. Việc lựa chọn Liverpool là nơi tổ chức sự kiện này, hội nghị thứ hai của các Bộ trưởng Ngoại giao G7 trong thời gian vương quốc Anh giữ vị trí Chủ tịch G7, đến trước khi xảy ra vụ tấn công.
Văn phòng Ngoại giao cho biết, Liverpool được chọn vì trong lịch sử, đây là thành phố cảng có tầm nhìn toàn cầu. Tới 21 Bộ trưởng Ngoại giao có thể tham dự hội nghị này, khi Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nam Phi cũng được mời.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss. Ảnh: Reuters
Hôm thứ hai, 22-11-2021, Ngoại trưởng Anh Liz Truss được Guardian dẫn lời cho biết: "Tôi muốn chúng ta xây dựng một mạng lưới tự do trên toàn thế giới nhằm thúc đẩy tự do, dân chủ... và khuyến khích các quốc gia cùng chí hướng hợp tác với nhau bắt đầu từ vị thế mạnh".
Quốc gia duy nhất trong ASEAN không được mời là Myanmar, thay vào đó nước này được yêu cầu cử đại diện không thuộc chính quyền quân sự tham dự qua video, chính sách đã được hiệp hội thông qua tại hội nghị thượng đỉnh (HNTĐ) của khối vào tháng trước và tại HNTĐ Trung Quốc - ASEAN diễn ra hôm qua.
Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ coi việc mở rộng G7, đại diện cho các cường quốc kinh tế tiên tiến nhất thế giới, là nỗ lực để khu vực tán thành Aukus, qua đó thể hiện cách tiếp cận quân sự cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Hồi tháng 9, Úc đã khiến người Pháp tức giận khi hủy hợp đồng đóng tàu ngầm lâu dài với Paris và thông báo họ đang thiết lập quan hệ đối tác với Mỹ cùng vương quốc Anh để đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đồng thời cùng hợp tác về công nghệ, chẳng hạn trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.
Hôm thứ hai, Úc chính thức bắt tay vào chương trình nhằm trang bị cho lực lượng hải quân của họ các tàu ngầm hạt nhân. Bộ trưởng Quốc phòng Petger Dutton cùng các nhà ngoại giao Mỹ - Úc đã ký thỏa thuận cho phép trao đổi "thông tin về động cơ hạt nhân của hải quân" nhạy cảm giữa hai nước.
Phát biểu vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Prabowo Subianto, nói về Aukus: "Lập trường của chúng tôi: Tất nhiên Đông Nam Á vẫn không nên có vũ khí hạt nhân và e rằng điều này sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang". Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng, các nước có thể tìm cách tự vệ khi đối mặt với những gì mà họ coi là "mối đe dọa hiện hữu".
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, Hishammuddin Hussein, nhấn mạnh: "Mối hiểm nguy quá cao và cái giá phải trả là rủi ro không đáng có, khi chẳng ai muốn hoặc có đủ khả năng chống lại cuộc đối đầu toàn diện ở những vùng biển này. Chúng ta phải gạt bỏ cái tôi, niềm kiêu hãnh và sự tức giận để tiến về phía trước. Các tuyên bố hiếu chiến, dù ở bên trong hay ngoài khu vực, chỉ có thể đóng vai trò như tia lửa châm ngòi cho một thảm kịch tiềm ẩn".
Về phía vương quốc Anh, Stephen Lovegrove - cố vấn An ninh quốc gia - cho biết, các tàu ngầm theo kế hoạch chạy bằng năng lượng hạt nhân của Úc "có thể sẽ mang những vũ khí rất giống với các tàu ngầm mà Úc sẽ mua từ Pháp" và nói thêm rằng: "Chính phủ Úc hoàn toàn cam kết đảm bảo việc duy trì tiêu chuẩn khả thi cao nhất về quản lý và vận hành".
Hôm 19-11, Kurt Campbell, cố vấn về Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ tại Hội đồng An ninh quốc gia, thừa nhận xảy ra bất bình do Aukus và xác nhận khả năng đó không phải là tổ chức độc quyền, mà sẽ mở cửa cho tất cả quốc gia châu Âu tham gia trong tương lai.
Phạm Hồng (theo Guardian, AFP)