Hành trình 11 hộ gia đình thương binh đi đòi đất (kỳ cuối)

Thứ Tư, 18/05/2022 12:03  | Nam Anh

|

(CATP) Sau khi bị chiếm đất nhiều năm không trả, 11 hộ gia đình thương binh đã làm đơn đi kêu cứu khắp nơi. 3 đời Tư lệnh Quân đoàn 4 đều khẳng định, 4.400m2 đất vẫn thuộc đất quốc phòng đã giao cho 11 thương binh quản lý sử dụng. Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn cũng hứa sẽ giao trả đất cho thương binh nhưng phải làm theo sự hướng dẫn UBND tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, chỉ vì văn bản số 2076/UBND-KTN do ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh ký mà chuyện kiện tụng tiếp tục kéo dài.

Sở tham mưu, tỉnh phớt lờ

Theo ông Nguyễn Hưng Tạo, qua 21 năm đi kiện tụng khắp nơi từ cấp phường, TP.Dĩ An, sở, ban, ngành, Chính phủ và cả 3 đời Tư lệnh Quân đoàn 4 sau khi nghiên cứu hồ sơ thấy đúng nên rất ủng hộ và mong muốn sớm chấm dứt sự việc.

Tại văn bản số 3179/STNMT-CCLĐĐ ngày 19-10-2014 do ông Bùi Văn Hai, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ký tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương cũng thừa nhận, khu đất 4.400m2 của Quân đoàn 4 cấp cho thương binh có sự chồng lấn ranh với đất đường sắt.

Nguồn gốc khu đất từ năm 1975 đến 1990, đất do Quân đoàn 4 quản lý. Do vị trí khu đất quá hẹp (ngang chạy dọc theo đường số 2 KCN Sóng Thần, dài từ 18 đến 25m) nên chỉ phù hợp phát triển kinh tế gia đình. Sở TN&MT thừa nhận, 4.400m2 được cấp cho thương binh hiện nay không nằm trong hành lang an toàn giao thông đường sắt theo quy định tại điểm b, khoản 1 của Điều 35, Luật đường sắt 2006.

Theo đó, Quân đoàn đã cấp cho 11 hộ gia đình thương binh. Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương mời Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn và các đơn vị liên quan họp thống nhất giải quyết dứt điểm vụ việc gây bức xúc trong nhiều năm.

Tuy nhiên, ngày 23-5-2006, UBND tỉnh Bình Dương lại ra Quyết định số 2145/QĐ-UBND đã thu hồi 105.789m (trong đó có diện tích 4.400m2 của thương binh). Tại cuộc họp 23-7-2009 giữa Quân đoàn 4 và Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn đều thừa nhận, "UBND tỉnh Bình Dương giao 105.789m cho Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn mà không kiểm tra, thẩm định do đó dẫn đến sự chồng lấn khi cấp đất quyền sử dụng đất". Đặc biệt, khu đất 4.400m2 của thương binh lại nằm ngoài ranh quy hoạch của ga An Bình?

Các thương binh mòn mỏi khiếu kiện nhiều năm trời

Tại biên bản làm việc ngày 21-6-2010, đại tá Trần Trọng Ngừng cho rằng, khu đất 4.400m2 có sự chồng lấn và yêu cầu Tổng Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn trả lại đất cho 11 hộ gia đình thương binh. Tham gia buổi họp, ông Nguyễn Đình Sơn, đại diện Tổng Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn cho rằng, nếu có sự chồng lấn sẽ trả lại cho Quân đoàn 4.

Không dừng lại đó, tại công văn số 301/CV.ĐSSG ông Phan Thế Quang, Phó giám đốc Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn cũng khẳng định, tại các buổi làm việc và kiểm tra thực địa với Quân đoàn 4 đã đưa ra các tài liệu chứng minh đất giao cho 11 hộ gia đình thương binh có sự chồng lấn. Hai bên đã ghi nhận và thống nhất quan điểm giải quyết theo hướng, "việc giao trả đất phải căn cứ vào sự chỉ đạo bằng văn bản của UBND tỉnh Bình Dương".

Tuy vậy, ngày 15-3-2011, UBND tỉnh Bình Dương lại ra quyết định số 602-UBND-KTN "thu hồi diện tích 4.400m2 trước đây Quân đoàn 4 đã cấp cho 11 hộ gia đình thương binh để giao về cho UBND TX.Dĩ An (nay là TP.Dĩ An) hướng dẫn các hộ gia đình thương binh tiếp tục lập thủ tục thuê đất theo quy định, với mục đích làm kinh tế phụ gia đình nhưng không được xây nhà kiên cố"?

Từ việc làm "tréo ngoe" gây bức xúc, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc làm việc và ra kết luận thanh tra số 2886/KL-TTCP ngày 26-11-2014 về công tác quản lý, sử dụng đất tại ga An Bình, trực thuộc Tổng Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn cho rằng, ngành đường sắt sử dụng 23ha để xây nhà ga. Thế nhưng vẫn còn các tồn tại như: Chưa bồi thường đất cho dân, chồng lấn đất Quân đoàn 4 đang quản lý, chưa có dự án đầu tư, chưa có nguồn vốn đầu tư nên thực tế ngành đường sắt mới tiếp nhận và sử dụng hơn 10ha.

Với những biến động về mặt diện tích, ranh đất ngày 23-5-2006 UBND tỉnh Bình Dương đã thu hồi hủy bỏ Quyết định số 22/QĐ-UB ngày 3-3-1992 và "giao tạm thời" cho ngành đường sắt quản lý 123.842,4m2. Thanh tra Chính phủ nhận định, ngành đường sắt không có quyết định đầu tư, không có dự án xây mới và việc đầu tư xây dựng được thực hiện theo khả năng nguồn vốn bố trí hàng năm.

Bãi hàng thì không được làm ga

Thanh tra Chính phủ kết luận, "khu bãi hàng An Bình" đối chiếu với Luật đường sắt không thuộc phạm vi ga. Về mặt tác nghiệp thì đây chỉ là bãi xếp, dỡ một phần hàng hóa đi và đến ga Sóng Thần. Vì vậy, nói "ga An Bình" là không đúng mà phải gọi là "bãi hàng An Bình" vì bãi hàng là một bộ phận của kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc khu ga Sóng Thần", Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Mặt khác, ngày 10-9-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1436/QĐ-TTG phê duyệt điều chỉnh tổng thể phát triển ngành đường sắt Việt Nam 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2011-2020, cải tạo đường sắt Trảng Bom - Bình Triệu (đi qua bãi hàng An Bình). Ngày 8-4-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến sau năm 2020, theo đó ga lập tàu (Sóng Thần - Dĩ An) và bãi hàng An Bình có diện tích khoảng 71ha.

Một vấn đề quan trọng khác là đến nay bãi hàng An Bình vẫn chưa có quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư ga. Vậy căn cứ vào đâu mà UBND tỉnh Bình Dương vẫn giao đất cho Tổng Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn thành lập thêm ga An Bình? Chưa nói, trong bán kính chưa đầy 10km nhưng có tới 3 nhà ga (ga Dĩ An, An Bình, Sóng Thần) và một Trạm vật tư sửa chữa đầu máy toa xe thì hoạt động có mang lại hiệu quả kinh tế?

Để tránh sự lãng phí đất đai, năm 2004, UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại bãi hàng An Bình phát hiện, ngành đường sắt đã không quản lý sử dụng 117.038,5m2. Đến năm 2006, UBND tỉnh Bình Dương mới ra Quyết định số 2145/QĐ-UBND tạm giao cho ngành đường sắt quản lý 123.842,4m2. Do đó, diện tích đất giao đã bị biến động giảm do chồng lấn, lấn chiếm và không phù hợp với diện tích đất thực tế sử dụng? Tuy nhiên, Tổng Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn vẫn không cắm mốc trên thực địa, vi phạm khoản 3, Điều 5, Nghị định 109/2006/NĐ-CP.

Sau khi UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2145/QĐ-UBND, ngày 23-5-2006 thu hồi GCNQSDĐ. Đến nay, Tổng Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn vẫn chưa được cấp lại GCNQSDĐ đối với phần diện tích đất đang sử dụng ổn định vì chưa có phương án sử dụng theo yêu cầu. Việc kê khai đăng ký Tổng Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn vẫn chưa tiến hành.

Thanh tra Chính phủ nhận định, Quyết định số 2145/QĐ-UBND của tỉnh Bình Dương cũng không phù hợp như: Tạm giao 123.842,4m2 đất cho Phân Ban Quản lý cơ sở hạ tầng số 3 quản lý. Trong khi quy định về quản lý sử dụng đất đai không có cơ chế "tạm giao" nên không có hành lang pháp lý cho việc quản lý, xử lý. Đối tượng được tạm giao quản lý khu đất cũng không chính xác. Phân Ban Quản lý cơ sở hạ tầng Khu vực 3 chỉ là bộ phận chức năng của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam. Do vậy, đối tượng chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng đất phải giao cho ngành đường sắt là Tổng Cty Đường sắt Việt Nam mới đúng...

Bình Dương: Hành trình đi đòi đất của 11 hộ gia đình thương binh (kỳ 1)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang