Bộ Công an bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu của công dân được khai báo và tích hợp

Thứ Tư, 25/10/2023 16:17

|

(CAO) Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định ngành Công an có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho công dân, cho những người sử dụng thẻ căn cước không bị theo dõi bởi bất kể một tổ chức, cá nhân nào, cũng như bảo đảm an ninh, an toàn về dữ liệu của công dân đã được khai báo và tích hợp.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 25/10/2023, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Căn cước.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu giải trình, tiếp thu phiên thảo luận.

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu, giải trình vào cuối phiên thảo luận

Bộ trưởng Tô Lâm một lần nữa khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử, mã QR Code và căn cước điện tử không bị theo dõi và không thể theo dõi được.

“Chúng tôi khẳng định việc này. Bộ Công an hay bất cứ cơ quan nào không được theo dõi và không thể theo dõi được trên cấu tạo của thẻ này” - Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng khẳng định ngành Công an có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho công dân, cho những người sử dụng thẻ căn cước không bị theo dõi bởi bất kể một tổ chức, cá nhân nào, cũng như bảo đảm an ninh, an toàn về dữ liệu của công dân đã được khai báo và tích hợp.

Bộ trưởng lưu ý, thông tin cho rằng “bị theo dõi” là những thông tin mà những đối tượng xấu tung tin ra để gây hoang mang trong nhân dân.

Thông tin thêm về quá trình hoàn thiện dự luật Căn cước, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã phối hợp với Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý luật theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp vào sáng 25/10

Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 25 (tháng 8/2023), sau đó tiếp tục được hoàn thiện trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 3 (tháng 8/2023) và gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan theo quy định.

“Đến nay, dự thảo luật đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến thống nhất cao với dự thảo luật” - Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, để thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), Đại hội Đảng khóa XIII xác định đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt, thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu lớn.

Việc này, theo Bộ trưởng, nhằm phục vụ kịp thời và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý.

Vẫn theo Bộ trưởng Tô Lâm, dự án luật Căn cước không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về căn cước, đáp ứng các yêu cầu mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và chuyển đổi số của nước ta theo mục tiêu của Đề án 06 của Chính phủ đang triển khai thực hiện.

Dự thảo luật trình Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, đã được rà soát, chỉnh lý kỹ lưỡng về các thuật ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản và các nhóm vấn đề mà đại biểu Quốc hội có ý kiến, như: giải thích từ ngữ; về quyền và nghĩa vụ của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; về căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; về các hành vi bị nghiêm cấm; về thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; về thu thập, cập nhật, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; về thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu về căn cước; về quy định liên quan đến thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam được cấp giấy chứng nhận căn cước; về căn cước điện tử…

Sau phiên thảo luận này, Bộ trưởng cho hay, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quốc phòng - An ninh và các cơ quan liên quan của Quốc hội, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước cho phù hợp, đảm bảo hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội thông qua.

Đề xuất bỏ vân tay trên bề mặt thẻ căn cước
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang