Chẳng cần xin giấy phép, chỉ cần mặt bằng và vật liệu là gia chủ đã cho dựng ngay một căn nhà tiện nghi, với giá rẻ bất ngờ. Kiểu nhà ở di động này bước đầu mang lại hình ảnh thú vị, sinh động nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác quản lý Nhà nước.
Những căn nhà di động
Dọc nhiều tuyến đường tại TP.Vũng Tàu, mấy ngày gần đây xuất hiện những căn nhà mang phong cách “đóng hộp” lạ lẫm. Chúng được tạo dựng từ việc hoán cải những thùng container. Trên đường Lê Hồng Phong (P7TP.Vũng Tàu), một quán cà phê được thiết bằng cách ráp các thùng container lại với nhau, thu hút rất đông khách. Tại Khu đô thị Chí Linh (phường Nguyễn An Ninh) cũng có quán cà phê được làm từ những thùng container, mang lại sự tò mò cho khách hàng.
“Mới đầu, mình không nghĩ rằng những thùng container trông bên ngoài thô sơ cũng có thể tạo ra được một không gian đặc biệt đến vậy. Ghé vào những quán cà phê có thiết kế lạ mắt này, chắc chắn sẽ mang lại những thú vị riêng” - anh Tống Công Tuấn (ngụ TP.Vũng Tàu) chia sẻ.
Không chỉ ở thành phố biển mới có trào lưu lạ, một số tỉnh, thành lân cận cũng có những căn nhà, quán xá tương tự. Tại P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức), Khu dân cư Trung Sơn và đường Tân Túc (H.Bình Chánh, TPHCM), có nhiều căn nhà, quán cà phê với kết cấu thùng sắt chất chồng. Những thùng container được các chủ đầu tư tận dụng triệt để, tạo ra một hình thể kiến trúc không thể nào nhầm lẫn. Xa hơn, xuôi về các tỉnh miền Tây, nhà container cũng thấp thoáng xuất hiện ở vài nơi.
Việc xây nhà bằng thùng container hiện đang thịnh hành bởi thi công nhanh, chi phí thấp hơn rất nhiều so với một căn nhà bình thường. Đặc biệt, khi đã sử dụng “chán chê”, gia chủ có thể bán lại cho đơn vị thi công với giá phân nửa trị giá nhà đã mua. Mỗi nơi một vẻ, một phong cách, nhưng gom lại trong ba chữ: nhanh, gọn, lẹ. Chị T. (chủ một quán cà phê container tại TP.Vũng Tàu) cho biết: “Tổng thời gian lắp đặt và hoàn thiện cảnh quan cho quán với 3 thùng container chỉ mất 2 tuần, chi phí khoảng 100 triệu. Rất nhanh và tiện lợi”.
Có cầu ắt có cung, chỉ trong vòng 2 năm nay, đã có hàng loạt công ty chuyên lắp đặt, thiết kế nhà bằng thùng container ra đời, nhắm trúng tâm lý và thị hiếu của khách hàng. Một trong những điều tiện lợi nhất được các công ty này tận dụng để thuyết phục khách hàng, kể cả khách hàng khó tính là nhà container có thể lắp đặt bất cứ nơi đâu, không cần xin phép và có thể di động dịch chuyển đi nơi khác khi cần thiết.
Không cần giấy phép?
Trao đổi với chúng tôi, ông Q. (giám đốc một công ty chuyên lắp đặt nhà container tại Q9) cho biết: “Công ty tôi cung cấp nhiều sản phẩm đa dạng, linh động như: container nhà ở tập thể, container văn phòng, container nhà bán hàng, container nhà kho, container lưu động... Chúng tôi có thể thi công trên mọi địa hình, không giới hạn kích thước, quy mô. Nếu khách hàng có yêu cầu cao hơn, công ty cũng sẽ tạo ra những thiết kế khác biệt để đáp ứng. Một căn nhà bằng thùng container 20 feet tính luôn chi phí lắp đặt là 40 triệu, thi công chỉ trong 3 ngày”.
Ngoài cung cấp nhà container một tầng, công ty ông Q. còn có thể lắp đặt các cấu trúc 2 tầng, 3 tầng theo nhiều trường phái, phong cách kiến trúc khác nhau. “Có người thích kiểu cổ điển, có người lại thích kiểu hiện đại. Miễn khách yêu cầu thì chúng tôi sẽ có phương án thực hiện đúng tiêu chí họ đề ra”- ông Q. cam đoan.
Khi được hỏi xây nhà container thì thủ tục xin phép như thế nào, ông Q. phân trần: “Thật ra cái tiện lợi nhất khi xây nhà bằng hình thức này là không phải xin giấy phép xây dựng, vì đó không phải là công trình gắn liền với đất, hiện nay luật cũng chưa quy định cụ thể. Thêm nữa là những căn nhà bằng thùng container chỉ là công trình tạm, nếu không được địa phương cho phép thì chỉ cần lắp thêm bánh xe vào để kéo đến vị trí mới. Đây chính là điểm lợi của những căn nhà này”.
Lợi dụng kẽ hở trên, nhiều chủ doanh nghiệp lắp đặt nhà container khẳng định với khách hàng rằng sẽ không cần giấy phép xây dựng, nếu có yêu cầu từ chính quyền địa phương thì có thể tháo dỡ chỉ trong vòng một ngày (!). Đây lại là vấn đề gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý nhà ở tại địa phương.
Quan niệm vênh nhau
Mới đây, nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn những căn nhà được hoán cải từ thùng container, UBND TP.Vũng Tàu đã có văn bản xin ý kiến Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đại diện Phòng Quản lý trật tự đô thị TP.Vũng Tàu khẳng định: Việc lắp đặt thùng container để làm nhà ở là sai quy định, nếu không sớm có kế hoạch kiểm soát, xử lý, có khả năng nhà container sẽ được phát triển tràn lan, phá vỡ quy hoạch đô thị TP.Vũng Tàu trong tương lai.
Đây cũng là mối lo ngại của nhiều cơ quan chức năng tại TPHCM. Một cán bộ Sở Xây dựng TPHCM thừa nhận, trước thực trạng quỹ đất cho nhà ở ngày càng khan hiếm, nhu cầu xây dựng những căn nhà tạm, thuận tiện cho việc tháo dỡ, di chuyển như nhà container ngày càng nhiều. Theo quy định của pháp luật, container khi được cải tạo, sửa chữa, lắp đặt các trang thiết bị như: làm nền, trổ cửa, gắn thiết bị điện, nước... thì không còn là thùng container nữa mà đã trở thành một căn nhà. Hiện nay, chưa có quy định nào về nhà container.
Ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - khẳng định: “Thùng container được hoán cải làm nhà ở chắc chắn, là một công trình xây dựng. Một khi đã là công trình xây dựng thì bắt buộc phải xin phép và được cấp phép theo đúng Luật Xây dựng, chứ không thể tự ý xây dựng”.
Tuy nhiên, theo một cán bộ UBND P10 (TP.Vũng Tàu), đối chiếu Luật Xây dựng, container được hoán cải, tạo thành buồng, phòng để ở không phải là công trình xây dựng. Việc lắp đặt thùng container cũng không thuộc hoạt động xây dựng, nên khó xử lý.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Tri Đức (Giám đốc Công ty Luật 360) cho biết, trên thực tế những căn nhà được dựng bằng thùng container không gắn liền với đất thì không phải là bất động sản. Luật cũng không có quy định nào cấm việc sử dụng thùng container làm nhà ở. “Rõ ràng chúng ta cần ngồi lại để có một định nghĩa chính xác, quy định chặt chẽ về nhà container, để không còn vênh nhau” - luật sư Đức nói.
Một điểm đáng lưu ý là độ an toàn của những căn nhà container. Một số ý kiến đặt vấn đề: Nhà container có thời hạn sử dụng là bao nhiêu năm? Độ an toàn của nó như thế nào? Hàng loạt chủ doanh nghiệp xây lắp nhà container khi được chúng tôi hỏi như vậy đều cho rằng độ bền của những thùng container là lý tưởng: hơn 10 năm, thậm chí là... 50 năm (?). Thế nhưng theo khảo sát của chúng tôi, đa phần nguồn container hiện nay được sử dụng để hoán cải thành nhà ở đều được sử dụng trong thời gian dài và chưa có cơ sở nào xác định về độ an toàn của nó khi biến thành nhà ở.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Dũng - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết, sẽ họp với các bộ phận nghiệp vụ để nắm bắt diễn biến tình hình nhà container, đồng thời lấy ý kiến về hướng xử lý.
Luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết - Đoàn Luật sư TPHCM:
Tôi nghe khá nhiều công ty xây dựng nói rằng nhà ở bằng thùng container sẽ giúp cho những người thu nhập thấp, người mướn đất thời gian ngắn có được căn nhà, trong bối cảnh quỹ đất ở tại các khu đô thị ngày càng hạn hẹp. Nhưng thực tế hầu hết chủ đầu tư xây dựng nhà ở theo hình thức này đều là chủ doanh nghiệp, quán xá, người có kinh tế khá giả, muốn chơi “độc”... An cư mới lạc nghiệp, người thu nhập thấp sẽ chẳng dại gì đầu tư tiền của vào một căn nhà bất ổn về pháp lý như thế.
Ông Hoàng Vũ Thảnh - Phó chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu:
Để xử lý hiện tượng này, chúng tôi sẽ mời các hộ lắp đặt thùng container làm nhà ở, địa điểm kinh doanh lên làm việc, vận động họ tháo dỡ công trình trái phép. Hộ dân nào không tự giác chấp hành, chúng tôi sẽ họp với các Sở liên quan để thống nhất quan điểm cho phép tháo dỡ, nhằm đảm bảo quy hoạch kiến trúc đô thị của TP.Vũng Tàu được thống nhất. Một thanh tra viên Sở Xây dựng TPHCM: Nếu để tình trạng xây nhà bằng
thùng container diễn ra đại trà, sẽ dễ dẫn đến phá vỡ quy hoạch đô thị. Hiện nay, do luật chưa quy định cụ thể, chỉ xác định được vi phạm khi lắp đặt container hoán cải thành nhà ở trên đất nông nghiệp, nên cơ quan quản lý phải kiểm soát chặt chẽ.
P.Nam - D.Mi - T.Lâm - Đ.Công