Bí thư Đinh La Thăng: 'Không học nghề chuyên sâu, công nhân thất nghiệp ngay'

Thứ Năm, 23/02/2017 20:22  | Linh Vũ

|

(CAO) “Bây giờ, công đoàn không động viên người lao động học thêm nghề, chuyên sâu hơn, có hình thức phù hợp hơn thì họ sẽ thất nghiệp ngay”, Bí thư Thành uỷ TP.HCM nhấn mạnh khi tham dự buổi làm việc với Liên đoàn Lao động TP.

Chiều 23-2, Tổng LĐLĐ Việt Nam có buổi làm việc với LĐLĐ TP.HCM. Tham dự có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Lệ, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu... cùng lãnh đạo các sở ngành TP và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tại buổi làm việc, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cho biết, LĐLĐ TP hiện đang quản lý 19.000 công đoàn cơ sở với 1,3 triệu đoàn viên. Năm 2016, công đoàn thành phố tập trung phát triển đoàn viên, nỗ lực chăm lo và phát huy vai trò của công nhân, người lao động...

Trong năm 2017, LĐLĐ TP đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn việc đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cán bộ nhân viên công đoàn, công nhân, người lao động.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cho rằng, LĐLĐ TP phải chăm lo hơn nữa cho công nhân, người lao động; phải làm liên tục, không được làm theo kiểu phong trao. Ngoài việc tặng quà, động viên trong các ngày lễ, LĐLĐ phải kết hợp với các cơ sở y tế chăm sóc sức khoẻ cho người lao động.

"Phải đặt hàng cho các bệnh viện có giờ riêng để khám, chữa bệnh cho công nhân, người lao động. Vì có những bệnh không thể phát hiện khi khám định kỳ mà phải khám chuyên sâu mới tìm ra. Ngoài ra, phải tạo điều kiện cho công nhân, người lao động học tập để nâng cao hiểu biết, nhận thức...”, Phó chủ tịch UBND TP nói.

Đến dự buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tiến rất nhanh, tác động mạnh mẽ đến việc làm của người lao động. Trong đó, nhóm chịu tác động mạnh nhất chính là lao động giản đơn, ít kỹ năng và dễ bị thay thế bằng người máy”.

Bí thư Đinh La Thăng dẫn chứng, theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tháng 7-2016, khả năng công nhân ngành dệt may và giày dép sẽ mất việc là khoảng 86%. Hiện, ngành dệt may cả nước có 2,3 triệu lao động, giày dép là 980.000 người; 2 ngành này chiếm chiếm 6,2% tổng lực lượng lao động cả nước. Ngoài ra, ngành điện tử và các nhóm lao động gắn với công nghệ cũ, lạc hậu cũng sẽ bị thay thế nhanh chóng.

“Cái tôi lo nhất là khi lực lượng lao động giảm nhanh, liệu người ta có sinh hoạt công đoàn được không? Đó là vấn đề lớn! Bây giờ, công đoàn không động viên người lao động học thêm nghề, chuyên sâu hơn, có hình thức phù hợp hơn thì họ sẽ thất nghiệp ngay”, Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đánh giá cao những chương trình, kế hoạch mà LĐLĐ TP.HCM đặt ra đi vào những vấn đề bức xúc của đời sống công nhân, người lao động như: thu nhập, việc làm, nhà ở...

“Tổ chức Công đoàn của TP.HCM phải phát huy thế mạnh của mình; phải luôn năng động, sáng tạo, chủ động thực hiện những mô hình, cách làm hay, thiết thực cho hoạt động công đoàn và chăm lo đến lợi ích chính đáng của đoàn viên, công nhân và người lao động”, ông Bùi Văn Cường tổng kết buổi làm việc.

Bình luận (1)

Cám ơn Bí thư Thăng đã quan tâm sâu sát đến đời sống người công nhân.

Tâm An - Thứ Năm, 23/02/2017, 21:34 Trả lời | Thích
Lên đầu trang