Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng: Khoa học công nghệ phải thật sự là động lực phát triển kinh tế

Thứ Năm, 03/03/2016 17:28

|

(CAO) “Trong báo cáo của Khu công nghệ TP.HCM dù công phu nhưng chưa thể hiện chất “lửa”, chưa đưa ra một mục tiêu cụ thể, chưa thể hiện quyết tâm đột phá về phát triển công nghệ cao mà Thành phố đưa ra” – Đó là nhận định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) TP.HCM (SHTP), vào sáng 3-3.

Tham dự buổi làm việc còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm và lãnh đạo các sở ngành TP.

Hơn 5,4 tỷ USD đầu tư vào Khu CNC

Báo cáo tại buổi làm việc, TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP cho biết, sau hơn 13 năm thành lập, đến nay SHTP đã cấp 94 giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 5,4 tỷ USD, trong đó có 58 dự án trong nước với vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD và 36 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn hơn 4,3 tỷ USD. Hiện đã có 46 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 24.100 người lao động.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM

Theo TS Lê Hoài Quốc, đến nay Khu CNC đã trở thành điểm đến đáng tin cậy về đầu tư CNC tại Việt Nam. Bình quân mỗi năm thu hút 3 nhà đầu tư FDI với số vốn đầu tư 270 triệu USD.

Tính ra, 1ha đất thu hút bình quân trên 16 triệu USD vốn đầu tư. Riêng thu hút nguồn vốn FDI, Khu CNC thu hút nhiều dự án nghiên cứu, sản xuất từ Sanofi (Pháp), Datalogic Scanning (Ý), Sonion (Đan Mạch), Intel, Microchip (Mỹ), Nidec (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc),… đồng thời thu hút nhiều doanh nghiệp, viện nghiên cứu – đào tạo công nghệ uy tín trong nước như Tập đoàn FPT, Viện Công nghệ cao Hutech, Viện Dầu khí, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen, Công TNHH Thế giới Gen …

Tuy nhiên, TS Lê Hoài Quốc cho biết khó khăn hiện nay là hệ thống hạ tầng giao thông nối vào Khu CNC chưa được đầu tư hoàn chỉnh; nguồn vốn cấp cho nghiên cứu khoa học công nghệ còn rất thấp… Trước những khó khăn mà Ban Quản lý Khu CNC nêu ra, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu lãnh đạo các sở ngành tập trung giải quyết cho Khu CNC TP.

Về hệ thống đường nối vào Khu công nghệ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Bùi Xuân Cường thừa nhận tiến độ của các dự án hạ tầng đang bị chậm tiến độ. Điển hình như đường Vành đai II từ cầu Rạch Chiếc nối vào Khu CNC dài 4km vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng hiện đã chậm 5 năm và đang kêu gọi nguồn vốn đầu tư cho dự án này.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng gặp gỡ Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Nakajima Satoshi và lãnh đạo Cty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam có vốn 100% của Nhật Bản

Đối với nguồn vốn cấp cho nghiên cứu khoa học công nghệ còn rất thấp Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng cho biết khoa học công nghệ vẫn chưa tạo được động lực cho sự phát triển kinh tế chung của TP. Cụ thể, hiện nay tổng ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ chỉ hơn 2%, trong đó có đến 80% đầu tư hạ tầng, chỉ có khoảng 7% đầu tư vào nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm khoa học công nghệ. Vì thế rất khó thu hút, mời các nhà khoa học nước ngoài cũng như các chuyên gia khoa học công nghệ giỏi của Việt Nam về công tác. Đồng thời, khó triển khai phát triển, ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ có tính mũi nhọn.

Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng cũng đề xuất cần sớm có những chủ trương, nâng mức đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu, vườn ươm các sản phẩm khoa học lên 50-60% tổng ngân sách chi cho khoa học công nghệ và có chính sách đãi ngộ tốt để thu hút các nhân tài trong và ngoài nước.

Công nghệ cao phải gắn với thực tiễn

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng, việc thu hút đầu tư vào Khu CNC chưa đạt. Trong 13 năm, Khu CNC chỉ thu hút đầu tư hơn 4 tỷ USD là quá thấp. Bí thư Đinh La Thăng dẫn chứng: tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên không có khu CNC nhưng Bắc Ninh thu hút 23 tỷ USD, Thái Nguyên đạt 5-6 tỷ USD, cả hai nơi này đều thu hút tập đoàn Samsung vào đầu tư.

Bí thư Đinh La Thăng cũng nhìn nhận báo cáo của Khu CNC TP dù công phu nhưng chưa thể hiện chất “lửa”, chưa thể hiện quyết tâm đột phá phát triển công nghệ cao mà TP đưa ra. “Trong chiến lược phát triển, cần đưa ra mục tiêu cụ thể, năm nay thu hút bao nhiêu doanh nghiệp, nguồn vốn bao nhiêu? Trong 5 năm tới thu hút bao nhiêu doanh nghiệp chứ không nói chung chung” - Bí thư Đinh La Thăng đề nghị.

Nhấn mạnh khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng với TP.HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chỉ đạo: Với mục tiêu xây dựng TP.HCM thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học lớn, là đầu tàu kinh tế của cả nước, phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch chiến lược phát triển CNC phù hợp với mục tiêu của TP trong 5 năm tới, tầm nhìn đến năm 2030 và sau 2030. Từ đó cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tiếp tục thu hút thêm vốn đầu tư; có chính sách phát triển, xã hội hóa phát triển CNC chứ không phải trông chờ vào ngân sách nhà nước.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tham quan hoạt động sản xuất của Cty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam

Vì vậy, về đầu tư hạ tầng cho Khu CNC, Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu sở, ngành phải chủ động hơn nữa, kêu gọi, thu hút các nguồn vốn xã hội hóa chứ không trông chờ vào ngân sách.

Nhấn mạnh khoa học công nghệ phải phát triển, là động lực thúc đẩy cho cả hệ thống phát triển, Bí thư Đinh La Thăng đề nghị phải đưa khoa học công nghệ là động lực, đầu tàu thúc đẩy phát triển, phải tạo được sức hút và sự lan tỏa không chỉ trong TP mà còn ở khu vực và cả nước. Muốn vậy, phải hình thành cơ chế, thể chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ, CNC.

Việc thu hút các lĩnh vực khoa học công nghệ phải gắn với thực tiễn sản xuất, nghiên cứu những sản phẩm khoa học CNC mũi nhọn của TP; tăng cường mối liên kết giữa nhà khoa học với doanh nghiệp để thương mại hóa các sản phẩm, từ đó tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, công ăn việc làm cho người dân.

Cũng trong buổi sáng, Bí thư Đinh La Thăng đã đến thăm Công ty Sankyo của tập đoàn Nidec và Tập đoàn Samsung (nằm trong Khu Công nghệ cao TP.HCM). Sau khi thăm nhà máy của Sankyo, trò chuyện với lãnh đạo công ty, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng Sankyo là công ty công nghệ cao nhưng lương trung bình của công nhân chỉ 3,7 triệu đồng là hơi thấp. Do đó lãnh đạo công ty cần quan tâm hơn nữa đời sống công nhân.

Ban giám đốc Sankyo hứa ngoài việc chú trọng đầu tư, thời gian tới, công ty sẽ chú trọng tới hoạt động phúc lợi, chăm lo đời sống công nhân theo yêu cầu của Bí thư Thành ủy.

Bình luận (0)

Lên đầu trang