(CATP) Trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, tội phạm trong lĩnh vực kinh tế với thủ đoạn ngày càng tinh vi nhằm vào những điểm yếu của thị trường, kẽ hở pháp luật để trục lợi, phóng viên Báo CATP đã phỏng vấn đại tá Lê Phước Trường - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng Công an TPHCM, về công tác đấu tranh đối với loại tội phạm này.
Thưa đồng chí, không manh động, liều lĩnh, nguy hiểm như tội phạm hình sự hay tội phạm ma túy, song tội phạm kinh tế lại là những đối tượng có trình độ, có quan hệ xã hội và có cả khả năng kinh tế. Để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, đòi hỏi những gì ở một cảnh sát kinh tế (CSKT)?
- Đại tá Lê Phước Trường: Đấu tranh với loại tội phạm này thường được xem như những cuộc đấu trí về bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần chủ động của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSKT. Có trí tuệ ở đây tức là có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực mình cần. Ví dụ về ngân hàng thì anh phải có kiến thức về ngân hàng, về gian lận thương mại thì anh phải có kiến thức để phân biệt hàng thật, hàng giả; chống buôn lậu thì anh phải hiểu nhu cầu thị trường... Bên cạnh đó, CSKT phải có bản lĩnh, trung thành với lý tưởng của bản thân và tổ chức, yêu ngành, yêu công việc mình làm để không sa ngã.
Có dư luận về việc nhũng nhiễu DN của CSKT, tình trạng này có hay không, thưa đồng chí?
- Chỉ cần có dư luận, Ban Chỉ huy Đội hoặc Ban Chỉ huy Phòng sẽ mời cá nhân đó lên làm việc để làm rõ; nếu tiếp tục có dư luận thì sẽ đổi địa bàn, chứ chúng tôi không chờ có sai phạm xảy ra mới xử lý. Ngoài ra, việc phân công công việc, kiểm tra, giám sát công việc đối với cán bộ, chiến sĩ luôn được Đảng ủy - Ban Chỉ huy sâu sát. Trường hợp xảy ra vi phạm, chúng tôi kiên quyết xử lý, tuyệt đối không bao che, dung dưỡng.
Đại tá Lê Phước Trường - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng Công an TPHCM
Trong tình hình thực tiễn hiện nay, để tạo điều kiện cho DN, lực lượng CSKT đã làm được những gì?
- Với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan điều tra thì việc tạo điều kiện có hai vế. Một mặt, chúng tôi tích cực đấu tranh với loại tội phạm kinh tế có ảnh hưởng đến DN, gây bất ổn cho thị trường như buôn lậu, hàng gian, hàng giả...; đem lại môi trường trong sạch, lành mạnh, tạo điều kiện cho DN chân chính làm ăn, phát triển. Mặt khác, đối với những DN đang hoạt động, cho dù có nguồn tin hoặc dấu hiệu vi phạm nhưng chưa rõ ràng thì Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng Công an TPHCM cũng không tiến hành các biện pháp điều tra. Chúng tôi chỉ tiến hành các biện pháp điều tra khi hành vi vi phạm đã tương đối rõ ràng.
Những trường hợp vi phạm pháp luật mà khởi tố cũng được, không khởi tố cũng, với vai trò Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, quan điểm xử lý của đồng chí như thế nào?
- Trường hợp xử lý hình sự cũng được, không xử lý cũng được thì chúng tôi chuyển sang xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp chế tài khác, để DN không tiếp tục vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý thế nào còn phụ thuộc vào quá trình hoạt động của DN, chứ không theo cảm tính chủ quan. Cụ thể, chúng tôi sẽ xem xét DN đó đã từng bị xử lý về hành vi đó chưa. Nếu DN vi phạm lần đầu và hành vi vi phạm không quá nghiêm trọng thì không cần phải xử lý hình sự. Nhưng nếu DN tái phạm nhiều lần, mức độ sai phạm nghiêm trọng thì chắc chắn phải khởi tố.