(CATP) Lợi dụng sự non nớt trong nhận thức, thiếu quan tâm từ gia đình của một số trẻ vị thành niên, những phần tử xấu trong và ngoài nước đã tìm cách "câu nhử", tác động lôi kéo các em qua những chiêu trò xảo trá, quỷ quyệt, từ đó, biến các em thành "bình phong" để tổ chức những hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước.
LỢI DỤNG TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
Những năm gần đây, internet phát triển nhanh chóng, từ thành thị náo nhiệt tràn đến vùng nông thôn hẻo lánh. Trong đó, giới trẻ là bộ phận tiếp nhận thông tin từ internet chiếm tỷ lệ cao nhất. Thông qua hệ thống internet, nhiều trang mạng xã hội được thành lập, kết nối con người gần nhau hơn. Lợi dụng sự phát triển này, một số phần tử xấu trong và ngoài nước đã thành lập các hội nhóm bất hợp pháp để đưa những thông tin có nội dung sai lệch bằng luận điệu xảo trá, bịp bợm tác động lôi kéo mọi người tham gia.
Để tạo dựng “mầm mống chống đối”, các phần tử này thường xuyên “săn mồi” từ các trang mạng xã hội, tìm những trẻ vị thành niên có lối sống buông thả, bất cần. Chúng sẽ cắt cử một đối tượng thường xuyên trò chuyện, thăm hỏi, tặng quà, tiền... “con mồi” để lấy lòng tin. Trong khoảng thời gian này, nạn nhân còn bị “tiêm” vào đầu những nhận thức lệch lạc, các em bị dẫn dụ vào con đường sai trái bằng nhiều lợi ích ràng buộc. Cụ thể, H.T.P (SN 1999, quê An Giang) là một trong những trẻ vị thành niên bị kẻ xấu lợi dụng.
Năm 2014, cha của P. qua đời khi còn rất trẻ, sau đó mẹ cũng bỏ xứ đi xa nên P. phải về sống nương nhờ với ngoại. Cũng từ đây, việc học hành của P. bắt đầu dang dở và trở thành tín đồ của mạng xã hội, nhất là Facebook. Trong nhóm bạn “ảo” này, có T. (phần tử cơ hội chính trị) vừa được tha tù về. “Chấm chọn” P., T. tìm cách kết thân, thường xuyên quan tâm, trò chuyện, hỗ trợ cuộc sống của em. Sau khi chiếm lòng tin của P., T. lôi kéo em tham gia vào cái gọi là “hội nhân quyền”, gặp gỡ những phần tử xấu để tuyên truyền thông tin bịa đặt. Đồng thời, T. còn hướng dẫn P. viết bài nói xấu Đảng, Nhà nước để đưa lên mạng xã hội, lôi kéo người khác xem, bình luận. Trong khoảng thời gian này, P. bị Công an An Giang xử phạt hai tiền sự về hành vi trộm cắp.
Để đánh bóng hoạt động, tháng 11-2015, T. dẫn P. lên TPHCM để tham gia các cuộc biểu tình liên quan đến biển đông. Tại đây, lợi dụng P. còn đang ở tuổi vị thành niên, T. đứng phía sau “giật dây” để P. “trực tiếp hò hét”, tạo sự chú ý người dân hiếu kỳ tham gia tụ tập, gây mất an ninh trật tự. Mặc dù tuổi còn nhỏ, nhưng việc làm của P. rất manh động và quá khích, buộc Công an quận 3 phải mời về làm việc. Tại đây, dù được hướng dẫn, giải thích tận tình về hành vi sai trái, nhưng P. tỏ ra bất hợp tác và không chấp hành quyết định xử phạt hành chính đã gây ra (theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 17-4-2006).
Sau khi trở về, P. được số phần tử xấu trong nước dung dưỡng, nhồi nhét tư tưởng chống phá, tiếp tục gây rối, kích động biểu tình. Mới đây, ngày 10-5-2016, “anh hùng bàn phím” này tiếp tục ra đường hò hét, tạo sự chú ý của người dân, gây cản trở giao thông, mất an ninh trật tự. Mặc dù chính quyền địa phương đã thông báo yêu cầu yêu giải tán, P. ngoan cố không chấp hành, buộc Công an quận 3 tiếp tục mời P. về trụ sở làm việc.
HÔ BIẾN THÀNH “NGỌN CỜ” CHỐNG ĐỐI
P. là một trong những trẻ vị thành niên bị các phần tử xấu “săn” được trên mạng xã hội và biến thành “con rối”, làm bia đỡ đạn cho số đối tượng cầm đầu trong các hội nhóm hoạt động bất hợp pháp tại TPHCM. Ngoài P., một số thanh thiếu niên học sinh, sinh viên khác có hoàn cảnh gia đình tương tự hoặc nhận thức còn hạn chế, cũng bị số đối tượng xấu tác động lôi kéo bằng câu chuyện bịa đặt, lời hứa “ảo” để biến các em thành “bình phong” cho hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng này.
Để tạo tính thuyết phục, nhóm này đã lợi dụng tình hình biển Đông, vấn đề nhạy cảm trong nước... nhằm kích động một số người dân tham gia tụ tập, biểu tình. Thực tế, đây chỉ là lớp vỏ bọc ngụy trang cho cuộc đi “săn” thành viên mới phục vụ cho hoạt động bất chính của chúng. Sau khi nhắm được “con mồi”, các phần tử này sẽ phân công thành viên sừng sỏ trong nhóm tiếp cận, chia sẻ và tìm cách nhồi nhét, “kiến tạo” những tư tưởng chống đối.
Khi dung dưỡng thành viên đến độ “chín” nhất định, những người này sẽ cho họ tham gia sinh hoạt, giao lưu hội nhóm nhằm tiếp tục cổ súy cho các hoạt động chống đối chính trị. Ngoài ra, để tạo sự liên kết, chúng sẽ phân công nhiệm vụ cho từng thành viên cụ thể, với những ràng buộc trách nhiệm được giao. Qua những hoạt động như vậy, thủ lĩnh thật sự trong tổ chức cực đoan này sẽ âm thầm tuyển chọn các “hạt nhân” tiềm năng, để “dẫn dắt” hoạt động chống đối trong nội địa, phục vụ ý đồ gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Từ tình hình thực tế trên, mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường cần nắm vững chính sách, pháp luật, quản lý con em không để bị kẻ xấu lợi dụng, kích động. Bên cạnh đó, các tầng lớp nhân dân cần tỉnh táo, sáng suốt nhận định trước những vấn đề nhạy cảm trong xã hội, khi chưa có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng, nên tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyệt đối không để kẻ xấu lợi dụng kích động, lôi kéo tham gia hoạt động vi phạm dưới nhiều hình thức tránh dẫn đến những hệ lụy khó lường.